tự nhiên. Tiếng Ly Ly ngọt hơn nước nho:
- Xong công việc hết rồi hả?
Tâm bổng dưng bối rối, Tâm quên phứt cái mặt thằng Phi đứng ở xa bực dọc nhìn tới. Tâm u oải:
- Còn ba mớ dây điện này ngán quá!
- Ngán hả! Để Ly làm phụ cho.
Con gái thời yếu xìu mà đòi làm những chuyện nặng nhọc! Như Ly Ly chỉ giỏi diễn xuất, ca hát, chứ làm sao
có thể khum người đưa hai bàn tay mềm mại ra đẩy ống sắt cho những sợi dây điện quấn vào. Chỉ có những
người đã chịu khổ rồi mới làm được thôi. Tâm nói:
- Công việc này mệt lắm, Ly làm không được đâu!
Ly Ly lém lỉnh, thật tự nhiên:
- Công việc nào làm không mệt mà anh nói vậy?! Như Ly đóng phim anh tưởng sướng và dễ dàng lắm sao?
Mình phải làm sao như thiệt một con bé trong truyện phim mình đóng. Nhiều khi sơ hở một chút phải quay đi
quay lại bốn năm lần. Có một vài đoạn bực quá, Ly muốn phát khóc! Còn nữa, chưa hết đâu. Những ngọn
đèn rọi vào nóng ran như trưa mùa hè. Khi nào anh được dịp đóng phim như Ly thì biết hà! Tất cả cũng đều
do nơi mình hết. Chịu khó một chút là qua hết! Ngày trước Ly có biết gì về đóng phim đâu?
Tâm không thể như con nhỏ Ly Ly được, dù gì đi nữa con nhỏ cũng là cháu của bà chủ hãng phim. Bà xuất
tiền ra làm phim cho tuổi thơ, ít ra bà cũng nghĩ đến cô cháu gái của bà có sẵn năng khiếu đó. Còn Tâm chả
ai thấy năng khiếu hay một tài vặt gì thì làm sao có dịp như Ly Ly nói.
Đứng nhìn Tâm làm một chút, Ly Ly bỗng nói:
- Nè anh, đi chơi biển hôn?
Hôm qua đi chơi với chú mập một vòng bãi trước. Buổi chiều và đêm xuống lạnh ghê! Tâm chưa thấy gì hay
ho hết. Nhưng bầu trời sao trên cao làm cho Tâm nhớ đến đôi mắt Ly Ly hơn bao giờ. Đôi mắt chớp chớp
như vì sao nào đó thật xa. Đôi mắt sáng rực như vì sao nào đó thật gần. Hôm qua Tâm nghĩ nếu hôm nay gặp
Ly Ly, Tâm sẽ kể những vì sao trên biển cho Ly nghe. Hôm nay vì sao trên biển đã mất tăm, và Tâm không
nói được gì hết. Tâm dừng tay, nói:
- Chưa làm xong mấy của nợ này.
- Làm xong đi hén!
- Ly không về Sàigòn sao?
- Hôm nay chủ nhật, Ly nghỉ học. Chiều mới về.
Ly bỏ đi, còn lại Tâm hớn hở làm những công việc đặc biệt của mình! Không còn thấy ngán đến tận cổ nữa,
mà thật nhanh nhẹn. Xong xuôi, Tâm đứng dậy phủi tay đi dọc trên thềm xi măng ra cổng biệt thự.
Ly Ly đang đứng nói chuyện với thằng Phi. Ly trong bộ đồ tây gọn gàng: chiếc quần "din" màu trắng, chiếc
áo xanh thêu ren tua tủa phủ rộng bên ngoài. Bao giờ Ly Ly cũng bận những quần áo sang trọng. Thằng Phi
cũng bận thế! Chỉ có Tâm độc nhất chiếc quần din màu cứt ngựa đã sờn đầu gối trắng bạc như bảng phấn lem
luốc. Tâm ngại ngần dừng lại.
Sau cặp kính tròn to xanh, Ly quay lại:
- À, đi luôn anh!
Tâm lúng túng, không hiểu mình có nên đi hay không?! Thấy Tâm như vậy, Ly thoáng hiểu tại sao Tâm lúng
túng. Phi, và Ly Ly xa cách Tâm quá. Phi và Ly Ly như đứng gần ngọn đèn màu rực rỡ chớp sáng. Còn Tâm
ngồi một mình trong bóng tối, cái bóng đen đủi buồn hiu. Cùng một trang lứa với nhau, sao Ly Ly được trời
sinh ra sung sướng vậy không biết? Bên cạnh những sung sướng đó là bao nhiêu thua thiệt cho người khác.
Một Tâm, và nhiều đứa trẻ khác bơ vơ trên những đường phố mà Ly thường gặp. Trong những vở kịch Ly
đóng ở đài truyền hình, trong phim đã quay, biết bao lần Ly đã khóc thật vì quá xúc động nhân vật khốn khổ,
bất hạnh mà Ly diễn. Nhưng khi rời khỏi máy quay phim, bước xuống sân khấu, người chung quanh và khán
thính giả thấy một Ly khác, một Ly tươi vui như đóa hoa hồng, Ly dễ thương như một con búp bê đắt tiền,
Ly là một chậu hoa được nhiều người chăm sóc.
Con nhỏ Ly không biết nói sao để rủ Tâm đi, trong khi thằng Phi khỏi cần rủ rê gì hết cũng có mặt theo. Ly
hỏi nhỏ:
- Có thằng Phi, anh không đi phải hôn?
Tâm thấy hãnh diện đôi chút! Dù sao đi nữa Ly Ly cũng quí mến mình hơn thằng Phi. Tâm nên đi để cho
thằng Phi biết, Tâm chỉ thua nó vì cái nghèo, thì không gì nhục nhã hết. Hồi Tâm còn đi học, Tâm nhớ một