Ba tôi thẫn thờ. Con vịt trong giỏ để góc nhà thò đầu kêu cạc cạc. Lâu
lắm ông mới lên tiếng :
- Hồi xưa, nó là thằng tốt nhất, lâu nay không gặp, ngờ đâu nó ra nông
nỗi này...
- Không biết thế nào, công ty ông ta thâm hụt mấy tỉ mà ổng thì một
ngày một giàu. Chìm xuống mà không hay. Cuối cùng thì kết cuộc như vậy
thôi, làm lớn mà...
Ba tôi nhướng đôi chân mày đã nhuốm bạc lên, cự :
- Bây nói vậy, chứ làm lớn ai cũng hư hết sao? Tao coi ti vi, coi tụi bây
hết, hễ làm giám đốc là phải có bồ, phải tham lam tiền bạc, phải ăn chơi.
Tao hỏng chịu. Má mày sanh ra mày, tao cũng muốn mày làm lớn, ông này
ông nọ. Nói kiểu này, tao mơ ước vậy làm chi. Nhớ thằng Tư Đờ hồi đó
dám cho đồ vợ rồi mà chưa dám nắm tay con gái người ta...
- Có tiền, giàu có, có quyền lực thì dễ hư hơn mà ba.
Ba bất giác nhìn tôi trân trân :
- Con đã gặp nhiều người như vậy lắm hả con?
Trong giọng của ông dường như tội nghiệp tôi ghê lắm. Vâng tôi là
một đứa con tội nghiệp. Giá tôi có thể ở lại Xóm Xéo, sống một đời nông
dân như ba tôi. Chiều đi ruộng về nằm võng nghe đài Hậu Giang ca cải
lương, tối ra Đầm đặt lú. Trời thanh, mây tạnh. Chuyện “vĩ mô” có người
có “vĩ mô” lo. Đằng này tôi ra đời. Gặp biết bao nhiêu người, gặp bao
nhiêu chuyện như chuyện của ông Tư Đờ bạn ba tôi đây. Lúc đầu thì sửng
sốt lắm. Một người đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh sao để gục ngã
vậy? Thế rồi từ từ thấy quen đi (choa, chuyện này người ta cũng quen được
sao?). Tôi thấy mình không còn ngây thơ nữa. Nhớ những ngày chân ướt
chân ráo vô nghề, làm ở Phòng thời sự, đi họp hành đưa tin nhiều, gặp mấy