máy lạnh. Ai như ba, đầu tắt mặt tối, mưa nắng dẫu dài, nghèo vẫn hoàn
nghèo. Thôi bỏ chuyện đó, vô cái này đi ba.
Ông lặng lẽ uống, không nhăn mặt khè khè như mọi khi ngậm rồi nhọc
nhằn nuốt. Bữa rượu buồn quá. Buồn vì cái ông Tư Đờ của thời xa xôi nào
đó tự nhiên hồn vía bay về. Chợt ba tôi trầm ngâm :
- Coi chừng sống trong cuộc sống toàn máy lạnh làm cho máu người
ta lạnh đi. Còn mày, mày lạnh được bao nhiêu phần rồi? Nói chuyện tao
nghe không được...
- Tôi không biết mình nói chuyện gì mà ba tôi buồn “nghe không
được”. Tôi suy nghĩ mãi, suy nghĩ hoài. Đến đi ngủ, tôi tấn mùng cho ba,
ông bảo: “Về dưới gặt xong tao trở lên, mày coi có cách nào cho tao vô
thăm thằng Tư Đờ, tao cần gặp nó, có chuyện tao muốn nói chuyện với
nó... Sao tao tức mình quá...” Tôi nói thôi ba ngủ đi, chuyện thiên hạ mà.
* * * * *
Tôi đưa ba tôi ra bến đò về quê. Ông nhằn “Đi chuyến này cốt là hỏi
coi chuyện thằng Tư Đờ ra làm sao, về dưới bà con có hỏi con biết đường
nói, mà cũng không đâu vô đâu hết, tốn công...”. Tôi cười, vỗ vỗ lưng ông
an ủi. “Thì ba biết rồi con cái gì, báo nói, đài nói, người ta đồn đãi, không
trúng mười thì trúng một, hai”. Ông gạt ngang: “Nhưng tao muốn nghe
thằng Tư nó nói, nói thẳng thắn, thật thà, nó phải nói với tao sao mà tới
nông nổi như vậy, nó phải trả lời bà con Xóm Xẻo, chổ bà con cưu mang
nó mười mấy năm trời. Làm lớn cũng khổ tâm lắm...”. Câu nói cuối cùng
của ông buông xuống, nhẹ như một tiếng thở dài. Khi chiếc tầu chạy tuyến
Cái Nước xa rồi, sao tự nhiên tôi buồn, buồn quá. Nỗi buồn này nặng hơn,
trong suốt và nhiều gai nhọn hơn nổi buồn của ba tôi.
Ui chao! Vậy là ông Tư Đờ bị bắt rồi. Ông Tư Đờ bạn của ba tôi, từng
là bạn nhậu của tôi, đã từng vỗ đầu tôi và hỏi: “Ông già khỏe hôn mậy?” và