NGỌN ĐÈN KHÔNG TẮT
Nguyễn Ngọc Tư
www.dtv-ebook.com
Chuyện Của Điệp:
óc dáng Điệp vốn nhỏ nhắn, đi hát cải lương từ năm mười sáu tuổi đến
năm hai mươi hai tuổi chỉ chuyên đóng vai đào con. Điệp coi kiếng tự nhận
xét: “Tại tướng em nhỏ chớ cái mặt em già”. Lên sân khấu với giọng ca
lảnh lót, trong suốt, lại thấy Điệp non tơ.
Hồi mới vô đoàn, đạo diễn kiêm trưởng đoàn coi giò coi cẳng Điệp
xong giao cho vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lúc đó kép
Linh Long thủ vai Tấn Lực. Sáu năm rồi, mấy vai diễn của Linh Long bây
giờ Điệp toàn kêu bằng Cha! Cha! Thấy buồn lắm.
Điệp về nhà ở Vàm Cỏ Xước nằm đong đưa trên võng, than: “Chắc
con bỏ nghề quá, diễn vai con nít hoài chán lắm, ngoại à”. Ông ngoại Điệp
già, bà ngoại cũng già. Ông ngoại nói: “Diễn con nít thì cũng hay, con coi,
thiếu vai Nghi Xuân bị dì ghẻ đánh đập, bị bắt đi chăn vịt, tụi con nít đâu
còn thấy vui. Vai trẻ nít thì mình hát dành cho trẻ nít...”. Ngoại định nói nữa
thì đã thấy Điệp ngoẹo đầu ngủ say trên võng. Ông ngoại kêu bà ngoại quạt
cho Điệp cái mẻ ung [1].
Điệp sống với ngoại ngay từ lúc lọt lòng. Mười tuổi, cha Điệp đi
không thấy quay về. Bên nội Điệp cũng nhiều khi bắn tin qua chuyện của
cha, Điệp làm lơ không thèm biết. Điệp mười hai tuổi, má Điệp cũng bỏ đi
làm ăn, nghe nói là buôn chuyến trên tàu đò Khánh Hội, rồi má lấy chồng.
Điệp đi học. Lớp một, thầy Nam dạy ở trường, về nhà ngoại gò tay cho
Điệp viết chữ a,b. Có bữa, Điệp nghe mồ hôi từ ngực ngoại ướt đẫm lưng
mình. Vậy là Điệp nghe thương ngoại. Bà ngoại không dạy Điệp học chữ
nhưng dạy nhiều thứ khác ở đời, biết Điệp thích ăn tép, bao nhiêu tép bạc,