- Cô con dạy “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là vậy đó nội.
Má Tươi bảo: “Con Tươi đi theo ông nội riết nó... khùng”. Nó không
khùng nhưng nó già trước tuổi, nó già theo những câu chuyện xưa. Ông nội
ngộ lắm. Ông nói cho nó biết sở dĩ bùn xứ nó mặn là vì có rất nhiều xương
máu của chú, bác, cô, dì đã đổ xuống, trong đó đương nhiên là có máu của
thầy, của mấy anh em khởi nghĩa. Ông nói cho nó biết sống làm sao như
cây đước thẳng tuột ưỡn ngực giữa sình lầy và còn nhóc chuyện nữa. Tươi
cảm thấy mình phải có nhiệm vụ ghi nhớ những gì mà ông nội nói. Vì ba
má nó lo làm ăn không có ở đây để nghe, vì thằng Sáng không muốn nghe.
Rồi một bữa khác, ông nội nó ra bãi ngồi tới chạng vạng không chịu vô
nhà. Ngồi coi biển đục ngầu, ngồi coi mặt trời lặn. Tươi năn nỉ ông vô nhà
để ở ngoài này gió máy cảm chết. Ông nội nó không chịu vô, vò đầu nó
than :
- Tao thương thầy quá. Nhớ thầy quá. Tao thèm gặp thầy, gặp anh em.
Ðâu ngờ cái lần nội nói đó, nội đi gặp thầy thiệt. Xóm Rạch vắng một
người già cỗi cằn ngồi hát sử hận, mấy ông làm phim, viết sử tiếc đứt ruột
ông già sống qua những tháng năm biến động và nhứt là đã trải qua cuộc
khởi nghĩa trên Hòn. Con Tươi qua sông, chở nước ngọt về uống trượt chân
té xuống sình. Té nhẹ phau mà không hiểu vì sao nó dầm mình vậy, nó
khóc mướt. Vậy mà kỷ niệm năm nào người ta cũng gởi thơ mời ông Hai.
Không hiểu người ta vô tình quên rằng ông đã khuất hay cố ý nhớ đã từng
có một con người như thế trên cõi đời này. Năm rồi thì ông Tư Lai đi thay,
năm nay thơ tới trễ ông Tư đi biển ngày họp không về kịp. Cán bộ xã đút
mũi xuồng lại rước. Bà cụ Hai rầu rĩ như mình đã ruồng rẫy, phũ phàng ai
vậy, chép miệng than :
- Thiệt rầu hết sức, nhà tui tưởng còn ai đi kể chuyện khởi nghĩa.
Hổng ấy cho con Tươi đi, chịu hôn?
- Nó nhỏ xíu hà biết không?