— Nhà nước đó đã đồng ý lật đổ và giết ông vua cũ, cha người kia, và họ
sẽ không muốn cải chính lại điều đó.
D'Artagnan nói:
— Anh bạn Planchet ạ, anh lý luận một chiều thôi. Nhà nước đó bây giờ
đang chán mấy ngài mang tên ngoại quốc mọi rợ và hát những bài thánh ca.
Tôi thấy nếu ca để mà ca thì Nhà nước muốn có những câu cà chía hơn là
bài hát trơn. Anh hãy nhớ lại cuộc nổi loạn Fronde, thời ấy người ta cũng
“ca” lắm đấy chứ! Thế mà, thời thịnh vượng đó?
— Chớ nói, chớ nói nữa, lúc ấy tôi suýt bị treo cổ đấy.
— Và anh đã bắt đầu sự nghiệp giữa mấy bài ca đó.
— Đúng thế.
— Còn gì nữa không?
— Thôi. Tôi trở lại vấn đề quân đội và nghị viện.
— Ta đã nói rằng ta mượn hai chục ngàn louis của ông Planchet và thêm
hai chục ngàn louis của ta nữa là thành lập một đạo quân.
Planchet chắp hai tay lại. Anh ta thấy D'Artagnan nói chuyện quan trọng
quá, nên tin chắc rằng ông chủ đúng là điên rồi. Anh ráng cười cho thật hấp
dẫn để khỏi làm cho lão điên này bị kích thích, nổi cơn giận lên.
— Cả một đạo quân! Đạo quân. Đông không?
— Bốn mươi người, - D'Artagnan nói.
— Bốn mươi chống bốn mươi ngàn, chưa đủ đâu. Một mình ngài bằng
cả ngàn người, đúng vậy. Nhưng tìm đâu ra chín người nữa như ngài? Còn
nếu tìm ra thì tiền đâu để trả cho họ?
— Khá lắm, Planchet ạ. Mẹ kiếp! Anh lại nịnh ta rồi.
— Thưa ngài, không, tôi nói điều tôi nghĩ thôi. Tôi nghĩ là lần đầu dàn
quân bốn mươi người của ngài, tôi chỉ sợ…
Anh chàng Gascon cười:
— Ta không dàn quân đâu. Thời xa xưa, chúng ta có những chuyện hay
về việc rút lui và tiến quân khéo léo nhằm tránh địch hơn là chạm trán với
chúng. Planchet, anh phải biết điều đó, anh đã từng điều khiển người Paris
ngày mà họ chống lại bọn ngự lâm quân và đã từng tấn công và rút lui hay
tới nỗi anh không rời được quảng trường Royale đấy mà.