— Thế thì, thưa ngài, tôi không biết. Không nên hỏi tôi điều đó. Phải.
Phải hỏi nơi cái đám vô số, đủ loại sĩ quan đã được ban cho vô số mệnh
lệnh, còn về phần tôi, người chỉ huy cuộc hành quân thì không được lệnh gì
rõ rệt cả.
Nhà vua thấy động lòng, thốt ra:
— Thưa ông, người ta chỉ ra lệnh cho những ai tỏ ra trung thành mà thôi.
Người lính ngự lâm trả miếng:
— Vì thế nên tôi không ngạc nhiên là một chưởng quan như tôi, có giá
trị như là một thống chế của nước Pháp lại phải chịu dưới quyền của năm
hay sáu phụ tá, chỉ giỏi rình mò dò xét thôi chớ không biết cóc gì về việc
chỉ huy một cuộc hành binh cả. Vì thế tôi mới đến xin Hoàng thượng trả lời
thì cửa đóng ngăn. Do bị xúc phạm đến như thế nên tôi chỉ còn có cách là
xin được phép không phục vụ Hoàng thượng nữa mà thôi.
Nhà vua nói:
— Thưa ông, ông cứ tưởng là ông vẫn sống trong thời đại mà các ông
vua phải chịu quyền định đoạt của các kẻ dưới tay như ông vừa than phiền
đấy. Ông hình như quên rằng một ông vua chỉ chịu trách nhiệm trước
Thượng đế về hành động của mình thôi.
Lại đến lượt người lính ngự lâm chạnh lòng:
— Thưa ngài, tôi không quên gì cả. Tôi không hiểu sao khi một người
lương thiện đến hỏi ông vua xem hắn ta có việc gì lầm lỗi, thì lại bị coi là
xúc phạm đến vua.
— Thưa ông, ông có lỗi là đứng về phía những kẻ thù của ta chống lại ta.
— Thưa, ai là kẻ thù của ngài?
— Đó là những người ta sai ông đi đánh.
— Chỉ có hai người mà là kẻ thù của cả quân đội Hoàng gia. Thật là khó
tin đó, thưa ngài.
— Ông không được tỏ ý kiến gì về quyết định của ta.
— Tôi phải tỏ ý kiến về tình bạn hữu của tôi.
— Ai phục vụ cho bạn thì không phục vụ cho chủ nhân.
— Thưa ngài, tôi biết rõ điều đó lắm nên tôi mới cung kính xin ngài cho
từ chức.