— Trong tám ngày nữa; còn hai chúng ta sẽ đi đến một nơi nói sau.
Thế rồi Nhà vua quay gót sau khi mỉm cười để xoa dịu nỗi cay đắng của
ông em trước hai tin kia. Trong lúc đó Colbert vẫn nói chuyện với Hầu tước
D'Alaméda:
— Thưa ngài, đây là lúc chúng ta thỏa thuận với nhau. Tôi đã nối sợi dây
liên lạc giữa ngài và Nhà vua, chuyện đó chỉ là bổn phận tôi phải làm cho
một người xứng đáng như ngài thôi. Nhưng vì có khi ngài lại đối xử với tôi
theo tình bằng hữu nên tôi phải tìm dịp chứng tỏ. Ngài lại là người Pháp
hơn người Tây Ban Nha. Cho nên xin ngài trả lời thật tình, lúc chúng tôi
chống Hà Lan thì Tây Ban Nha có đứng trung lập không.
Aramis trả lời:
— Thưa ngài, quyền lợi của Tây Ban Nha thật rõ ràng: Dùng Hà Lan gây
rối châu Âu là chủ trương của chúng tôi, nhưng đó là trường hợp nước
Pháp liên minh với Hà Lan. Nhưng nếu chống nhau thì ngài hẳn biết là có
chiến tranh trên mặt biển và tôi nghĩ là nước Pháp không thể giữ ưu thế,
phải không?
Colbert quay lại thấy D'Artagnan đi tìm một người nói chuyện trong lúc
Nhà vua và Đức ông thì thầm. Ông gọi D'Artagnan và nói nhỏ với Aramis.
— Ngài muốn chúng ta nói chuyện với ông D'Artagnan!
— Ồ, tất nhiên rồi. - Viên đại sứ trả lời.
Colbert nói với D'Artagnan vừa kịp đến:
— Ngài D'Alaméda và tôi vừa nhận định rằng chiến tranh với Hà Lan
phải xảy ra trên mặt biển.
— Đúng rồi.
— Ngài nghĩ thế nào.
— Tôi nghĩ rằng muốn đánh nhau trên biển thì phải có một đạo quân bộ
thật lớn mạnh.
Colbert tưởng mình nghe lầm:
— Thế nào?
— Sao lại phải có quân bộ? - Aramis hỏi.
— Bởi vì Hoàng thượng mà không có quân Anh giúp thì sẽ bị đánh bại
và bị đánh bại thì nước Pháp sẽ bị chiếm hoặc là từ các cửa biển do quân