có những ngã rẽ. Nếu ngươi ngày ngày học kiếm đạo nhưng tinh thần của
ngươi lại rẽ sang lối khác, thì ngươi có thể tưởng rằng mình vẫn đang đi
theo chính đạo, nhưng trên thực tế ngươi đã hoàn toàn đi chệch hướng. Nếu
ngươi đang theo đuổi chính đạo và hơi chệch hướng thì điều đó sẽ dẫn dắt
ngươi đến chỗ lầm đường lạc lối. Ngươi phải nhận thức được điều này.
Nhiều binh pháp được người ta quan niệm như là môn kiếm thuật. Điều đó
cũng tự nhiên nhưng là sai trái. Cái hữu ích trong binh pháp của bổn môn,
dù nó bao gồm kiếm thuật, nằm trong những nguyên lý riêng biệt. Triết lý
của Nhị Thiên Nhất Lưu hoàn toàn khác các môn phái khác cả về lý thuyết
lẫn luyện tập. Trong Phong Chi Quyển, ta sẽ làm rõ sự khác biệt giữa môn
phái của ta và các môn phái khác.
Tập sách thứ năm là “KHÔNG CHI QUYỂN”. “Không” có nghĩa là vô
thủy vô chung, tức là không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Ngộ đạo
tức phi ngộ đạo. Đạt nguyên lý này có nghĩa là không đạt nguyên lý nào.
Đạo của binh pháp là cái Đạo của thiên nhiên. Khi ngươi coi trọng sức
mạnh của tự nhiên, ngươi sẽ cảm nhận được nhịp điệu của mọi tình huống,
ngươi sẽ có thể ra đòn một cách tự nhiên và đánh trúng đối thủ một cách tự
nhiên. Tất cả những điều này đều là Đạo của Không. Trong tập Không Chi
Quyển, ta sẽ trình bày lối đi theo chính đạo bằng cách hòa hợp với tự nhiên.
Danh xưng “Nhị Thiên Nhất Lưu”
Các võ sĩ, từ tướng quân đến binh sĩ, đều mang hai thanh kiếm nơi đai.
Thời xưa, chúng được gọi là trường kiếm và kiếm. Ngày nay, chúng được
gọi là kiếm và đoản kiếm. Bất luận là vì lý do gì chăng nữa, trên đất nước
này mọi võ sĩ đều mang hai kiếm ở thắt lưng. Đó là cái Đạo của võ sĩ.
“Nhị Thiên Nhất Lưu” cho ta thấy lợi điểm của việc sử dụng song kiếm.
Thương và kích là những vũ khí được mang theo khi ra khỏi nhà.