Vạn Nhân tiếp lời: “Ngọc sở hữu tất cả linh tính ẩn sâu trong
đá, trong Đạo gia, ngọc thạch có khí âm và khí dương thuần khiết,
là vật biểu thị cho sự hài hoà.
Tục truyền rằng, vào thời Xuân Thu, có một thợ mài ngọc cừ
khôi tên là Biện Hoà, ông ta đã thấy một con phượng hoàng đáp
xuống ngọn núi này. Thời đó người ta cho rằng phượng hoàng chỉ
đáp xuống nơi có báu vật. Vì thế, Biện Hoà bèn tìm đến nơi phượng
hoàng hạ cánh để tìm kiếm và thấy một khối ngọc thô, tức là ngọc
được đá bao bên ngoài. Biện Hoà bèn cầm khối ngọc thô ấy tới gặp
Sở Lệ vương, Lệ vương lệnh cho thợ ngọc kiểm tra, thợ ngọc nói đây
chỉ là một tảng đá mà thôi. Lệ vương giận dữ, xử tội khi quân chặt
đứt chân trái của Biện Hoà. Lệ vương chết, Vũ vương lên ngôi, Biện
Hoà lại một lần nữa cầm khối ngọc ấy tới gặp Vũ vương. Vũ vương
lại lệnh cho thợ ngọc kiểm tra, thợ ngọc vẫn nói đó chỉ là một tảng
đá, và thế là Biện Hoà lại mất đi chân phải. Vũ vương chết, Văn
vương lên ngôi, Biện Hoà ôm khối ngọc thô khóc lóc dưới chân Sở
Sơn ba ngày ba đêm, khóc cạn nước mắt rồi lại khóc ra máu.
Văn vương biết được bèn sai người đến hỏi tại sao, Biện Hoà
nói: Ta không khóc vì bị chặt đứt hai chân, mà khóc vì ngọc quý bị
coi là tảng đá, người trung trinh bị coi là kẻ khi quân, vô tội mà chịu
nhục hình. Bởi vậy, Văn vương bèn sai người phá tảng đá bọc ngoài
khối ngọc thô ấy ra, và thấy đó quả thực là một viên ngọc hiếm có