mình phải vậy đó thôi, chứ đến quy-mô xây-dựng độc-lập ra sao, thì lúc ấy
chúng tôi vẫn còn mơ-màng như người đi giữa đám sương sa mịt-mù vậy.
Từ hồi bỏ nước đi ra ngoài, đầu óc mắt tai mình mới là bắt đầu
biến-đổi. Nhưng không thể nào không bảo được rằng đó là nhờ trận Nhật-
Nga đánh nhau đã làm vang bóng cho tâm-não chúng tôi.
Than ôi ! đến giữa thế-kỷ 19, gió Mỹ mưa Âu đã làm ồn-ào vũ-trụ,
vậy mà ngó lại nước mình vẫn còn đang ở trong cơn mơ-mộng ngủ say.
Lúc bấy giờ dân ta còn mù-mịt chuyện đời đã đành, không trách gì được.
Nhưng ngay đến hạng người trồi đầu khét tiếng như tôi mà cũng như ếch
nằm đáy giếng, kiến ở trong hang, có hiểu biết chuyện đời là gì đâu. Nghĩ
trong thế-giới có thứ người đáng buồn cười mà cũng đáng thương xót,
không còn ai hơn bà con nước mình.
Là bởi nước mình thuở trước chỉ đóng cửa ngồi nhà, trăm điều kiến-
văn gì, quanh-quẩn trong vòng chữ nghĩa thi-cử Hán-học mà thôi ; vậy cứ
bảo ngay quốc-dân mình là bọn tai điếc mắt đui, cũng không phải là nói
quá-đáng chút nào.
Kịp đến khi có người Pháp sang xâm-lược, dân ta cũng vẫn còn mắt
đui tai điếc. Nếu không có tiếng súng nổ đùng đùng ở Liêu-đông Lữ-thuận
đánh thức, thì có lẽ ta cũng chưa biết ngoài nước Pháp ra còn thế-giới nào
khác nữa.
Sau lúc Nhật-Nga khai chiến, giữa khoảng hai năm Giáp-thìn Ất-tỵ,
cuộc cạnh-tranh phấn-đấu giữa người Âu người Á, da trắng da vàng, làm
cho chúng tôi phải giật mình tỉnh ngủ. Chí-hướng chúng tôi càng thêm
nồng-nàn hăng-hái. Song chỉ khổ một nỗi là bị vấn-đề quân-giới ngăn-trở
khó-khăn, cho nên tới đây chúng tôi phải gấp tìm cách nào giải-quyết mới
xong.
*