Tháng 10 năm ấy, tôi đến Hoành-Tân, vô ở nhà trọ cũ, thấy một vị
thanh-niên học-sinh ta là Lương-quân Lập-Nham đã tới ở đó trước rồi. Tôi
xem ra người có khí-phách hăng-hái, đầu tóc đang để bờm-sờm ; dò hỏi
mới biết ông ta bỏ nhà vượt biển trốn sang Nhật có một mình, lúc lên bờ
trong túi chỉ còn vỏn-vẹn có ba đồng xu.
Thấy vậy, tôi vừa vui mừng vừa chưng-hửng. Vì bạn tuổi nhỏ ở
nước nhà, một thân một bóng mà dám liều-mạng xông-pha sóng gió muôn-
trùng, tới một nước thuở nay chưa nghe thấy bao giờ, Lương-quân chính là
người thứ nhất vậy. Té ra Lương-quân vốn là người chứa sẵn kỳ-khí, chỉ
nghe nói tôi qua Đông-kinh, thành ra mạnh-bạo bỏ nhà bỏ nước ra đi. Bạn
thiếu-niên anh-tuấn của ta sau nầy, có mấy người được như Lương-quân ?
Kế đó tôi bôn-tẩu giữa khoảng Đông-kinh Hoành-tân, thường
thường cùng những người tai mắt trong dân-đảng nước Nhật nối liền thinh-
khí, nhờ họ chỉ vẽ điều hay việc phải cho mình rất nhiều.
Nhân đấy tôi nghĩ lại dân-trí nước mình còn quá thấp-thỏi, mà
nhân-tài cũng thiếu-thốn không có. Chừng ấy tôi tự ăn-năn việc mình lo-
toan lúc trước là nông-nổi, chỉ bo-bo về vấn-đề quân-giới, nào có phải đó là
cái kế tuyệt-hay để mưu-tính công-cuộc độc-lập cho nước mình được đâu !
Một bữa nọ, tôi đến nhà Lương-khải-Siêu, trong lúc bút-đàm, có
đem ý-kiến ấy ra nói, Lương bảo tôi như vầy :
- « Cái kế-hoạch độc-lập của quý-quốc có ba đề-mục lớn. Một là
thực-lực riêng ở trong nước các ông. Hai là nhờ hai tỉnh Quảng nước tôi
cứu-viện. Ba là nhờ sức cứu-viện của Nhật.
Hai tỉnh Quảng giúp chỉ là giúp giùm khí-giới. Mà Nhật có giúp
cũng chỉ là giúp về mặt ngoại-giao. Còn thì nhất thiết đều trông-cậy ở thực-
lực của quý-quốc mà thôi ».