XII. HÔ-HÀO THANH-NIÊN SANG NHẬT
CẦU HỌC
LƯƠNG-KHẢI-SIÊU nói tiếp :
« Thực-lực hệ-trọng hơn hết, không gì cho bằng nhân-tài. Vậy thì
tôi tính kế cho quý-quốc bây giờ, trước hết ta hãy gắng công ra sức vun-
trồng nhân-tài. Hễ nhân-tài có đủ, thì chỉ đợi thời-cơ đưa đến là ta làm việc
lớn được dễ-dàng ».
Tôi rất phục lời họ Lương nói phải lắm.
Trở về nhà trọ rồi tôi thao-thức suy-nghĩ cả đêm, không sao nhắm
mắt ngủ được.
Dòm quanh thế-giới như rồng bay hổ thét, như điện chớp mây tuôn,
nhân-tài có ngàn thứ muôn thứ, không có vẻ nào mà không mới lạ. Ngay
đến một xó Đông dương nầy, nước nhà mình so-sánh đã đủ thua kém,
người ta muôn phần, mình chẳng có một, còn nói Âu-Mỹ làm gì ?
Bởi vậy nuôi dựng nhân-tài là việc cần-kíp của mình, không đợi
phải nói nữa. Song muốn nuôi dựng nhân-tài ta phải làm sao bây giờ, vì cái
thực-quyền giáo-dục nằm cả trong tay chính-phủ Pháp bảo-hộ ?
Dầu vậy mặc lòng, anh em chúng tôi còn đây, không lẽ nào chịu bó
tay đợi chết cho đành. Giờ chỉ có cách là kêu gào bọn thiếu-niên trong nước
tỉnh dậy, liều mình trốn ra nước ngoài học tập, như thế thì ta được tự-do mở
mang trí khôn, mà nước nhà mới chóng có nhân-tài đẻ ra được nhiều.
Tôi bèn đặt ra bài văn cổ-động bà con trong nước giúp tiền cho
thanh-niên qua Nhật cầu học. Bài nầy chỉ viết lơ-thơ có mấy ngàn chữ,
nhưng thật là một bài văn sinh-bình tôi lấy làm đắc-ý thứ nhất.