Em làm bên finance
Tiếng Việt. Tiếng Việt. Tiếng Anh. Tiếng Việt. Đôi khi nghe người Việt ở
tuổi phát triển sự nghiệp nói chuyện với nhau, tôi có cảm giác như tôi vẫn
đang ăn trưa ở khu người Việt tại Vancouver.
“Em làm bên finance.” “Chị sẵn sàng settle down.” “Cái đó rất là fix.”
“Cậu ấy rất passive.” “Cái background của em ấy là gì?” “Chị ấy hơi
pessimistic.” “Tao có advice cho mày.” “Như thế là không tum around
được.” “Phải có skill, chứ!” “Có lẽ em sẽ làm finance” “Lương của em sẽ
performance based.” “Cô đã nhận passport chưa?” “Như vậy scale sẽ rất
cao.” “Lớp em boring lắm!” “Trường đó teaching method tốt chứ!” “Em
chưa give up đâu!”
Trước hết phải chia các từ tiếng Anh “ghép vào” thành hai loại - loại có
từ tiếng Việt thay thế và loại không. Bắt đầu với loại có. Passive là bị động.
Fix là cố định. Advice là lời khuyên. Boring là chán. Teaching method là
phương pháp giảng dạy, etc. (là v.v…). ít ai có thể bảo vệ quan điểm “skill”
rõ nghĩa hơn “kỹ năng”, “advice” rõ nghĩa hơn “lời khuyên” (còn tôi rất tò
mò muốn biết Bacardi “mix” với Coca khác Bacardi “pha” với Coca như
thế nào).
Rồi đến với loại “Netbook” - loại không có lựa chọn địa phương thay thế,
hoặc có nhưng đó là cụm từ vừa dài vừa mất phần ý nghĩa quan trọng. Mặc
dù “Netbook” và “Notebook” khác nhau về mặt công nghệ nhưng tiếng Việt
chỉ có từ “máy tính xách tay” dùng cho cả hai. Muốn nhấn mạnh chất “Net”
bằng tiếng Việt thì phải hít sâu vào và nói dài: “Máy tính xách tay vừa nhỏ
vừa rẻ cấu hình thấp nhưng pin chạy được lâu, dùng chủ yếu để vào mạng
và làm những việc không quá tốn kém về mặt…”