nhiều hơn, nhưng cũng chỉ bằng tình cảm của mình thôi, hoàn toàn không
làm gì hơn được.
*
Một mình Sa ở nhà trông con trong khi biết Thin lại lên rừng thảo quả.
Một đứa con bé tí xíu, còn đỏ hỏn trong tay một người được gọi là mẹ mà
không sinh ra nó. Đứa con gái này giống Thin quá, lớn lên chút nữa chắc
chắn ai cũng nhìn ra nó là con ai. Chính vì thế mà Sa phải tính cách mua nó
ngay khi mới đẻ. Rồi về sau, nếu có ai nói nó giống Thin thì Sa sẽ bảo: "Ớ
với nhau lâu ngày thì giống thôi mà." Chứ cứ để nó ở với Diu thì rồi xấu
mặt cả họ. Cái họ Lý này mà bị xấu mặt thì còn ở làng sao nổi, làm thầy
cúng sao được nữa.
Nhưng thực ra trong lòng Sa mang ơn Diu lắm, bởi đã cho Sa được
làm mẹ. Sa ngồi ôm con mà nhớ những ngày khổ sở vì đã ở với Thin đến
bảy năm rồi mà vẫn không sinh được đứa con nào. Người làng thì bảo, tại
dòng họ Lý đến cuối kỳ rồi. Đời nọ nối đời kia làm thầy cúng và làm thầy
thuốc. Đáng lẽ làm thầy thuốc thì chỉ nên cứu người thôi, đằng này lại cả
giết người thì đến đời này không có đời sau nữa rồi. Nhưng bố Thin và cả
Thin nữa đều bảo như thế không phải là giết người, mà vẫn là cứu người,
cứu lấy số phận những đứa con gái chưa chồng mà lỡ dở.
Nhưng những lúc ấy Sa rất sợ. Từ ngày về làm dâu nhà này Sa không
biết mình đã phải chôn bao nhiêu hài nhi. Cái rừng mả hoang ấy, ngày
trước là mẹ chồng, giờ là Sa - chỉ có hai người bước vào đó và làm cái việc
vùi những hài nhi còn đỏ hỏn xuống đất rồi chạy trốn thật nhanh ra khỏi đó.
Nhưng chỉ một mình Sa chịu nỗi sợ hãi trước hàng trăm nghìn con mắt trẻ
con chọc vào cái bụng Sa.
Càng ngày Thin càng phải phá thai cho nhiều đứa con gái. Chúng nó
thật không biết sự quý giá của việc được làm mẹ. Có khi một ngày hai, ba
đứa kéo nhau lên nhờ Thin giúp. Đặc biệt từ khi có mấy cái trường trung