Những thứ bị mất
Mẹ mang về một cuốn lịch lớn từ công ty và dán tờ lịch tháng Tư lên tường
nhà bếp. Mẹ dùng một cây viết lông màu xanh, cũng lấy từ công ty, vẽ một
chiếc kim tự tháp lên ngày hai mươi bảy, với ký hiệu đồng tiền và những
dấu chấm than bao quanh. Mẹ ra ngoài mua một chiếc đồng hồ quả trứng
ngộ nghĩnh có thể đếm chính xác đến từng giây. Chiếc tủ chứa đồ dự trữ ở
công ty mẹ không có đồng hồ quả trứng.
Ngày hai mươi bảy tháng Tư cũng là sinh nhật của chú Richard. Mẹ nghĩ có
lẽ sự trùng lặp đó là một điềm lành. Chú Richard là bạn trai của mẹ. Chú ấy
sẽ cùng tôi giúp mẹ luyện tập mỗi tối, đó là lý do tại sao lúc này tôi đang
ngồi trên bàn thay vì nằm ườn xem ti-vi sau giờ học, vốn là một đặc quyền
của những đứa trẻ giữ chìa khóa. “Đứa trẻ giữ chìa khóa” là từ người ta
thường dùng để gọi những đứa trẻ có chìa khóa vào nhà mỗi khi đi học về
và tự xoay sở một mình cho đến khi người lớn về chuẩn bị bữa tối. Mẹ
không thích gọi như thế. Mẹ bảo nó khiến mẹ nghĩ đến một cái nhà tù - hẳn
cái từ đó được nghĩ ra bởi một người nghiêm khắc và đáng sợ. “Có thể là
một người Đức,” mẹ vừa nói vừa nhìn chú Richard. Chú là người Đức
nhưng không hề nghiêm khắc hay đáng sợ tí nào.
Mà cũng có thể lắm chứ. Trong tiếng Đức, chú Richard nói, tôi được gọi là
một Schlüsselkinder, nghĩa là “đứa trẻ giữ chìa khóa.”
“Cháu may mắn lắm,” chú bảo, “Chìa khóa chính là sức mạnh. Trong chúng
ta có người phải đến gõ cửa đấy.” Đúng là chú ấy không có chìa khóa. Thật
ra, chú ấy có chìa khóa để vào nhà của chú ấy, nhưng không có chìa khóa
vào nhà của chúng tôi.
Chú Richard trông giống những chàng thủy thủ tôi thường vẽ trên chiếc
thuyền buồm: cao lớn, tóc vàng và luôn bỏ áo vào quần, ngày thường cũng
như cuối tuần. Hoặc có thể tôi vẽ các chàng thủy thủ của mình như thế bởi