nguyên cớ mang tính quy luật: anh ước Pavel Pavlovich quay trở về khách
sạn, khóa trái cửa và… treo cổ tự tử, giống như gã thu ngân mà Maria
Cysoeva đã kể. Niềm mong ước ngày hôm qua ấy dần dần từng tí một
chuyển thành niềm tin vô thức và vô hình trong anh. “Cái lão ngốc ấy treo
cổ để làm gì nhỉ?” Anh trăn trở liên tục. Anh nhớ lại lời của Liza cách đây
không lâu… “Mà mình, đứng vào địa vị của ông ta, khéo mình cũng tự treo
cổ cũng nên…” - Anh nghĩ tới điều này một lần.
Sự việc kết thúc bằng việc, thay vì đi ăn trưa thì anh lại chạy tới chỗ
Pavel Pavlovich. “Nhất định phải hỏi Maria Sysoeva mới được” - anh quyết
định. Nhưng còn chưa kịp ra tới phố anh bỗng dừng khựng lại ở trước
cổng.
– Có lẽ nào, có lẽ nào - anh kêu lên, mặt đỏ lựng vì xấu hổ - chẳng lẽ
mình lê lết tới đó để mà “ôm nhau cùng khóc”? Hành động hèn mạt vô
nghĩa này chẳng lẽ lại không đủ cho tất cả sự ô nhục hay sao?
Nhưng thật may, đã có những người nghiêm túc và lịch thiệp cứu thoát
anh khỏi hành vi “đớn hèn vô nghĩa” đó. Ngay khi bước ra ngoài phố anh
chạm mặt với Aleksei Lobov. Chàng thanh niên có vẻ đang vội vã và lo
lắng.
– Tôi tới tìm ngài! Người quen của ngài, ông Pavel Pavlovich, thật quá
khủng khiếp?
– Ông ấy treo cổ? - Veltraninov lẩm bẩm một cách kì cục.
– Ai treo cổ? Tại sao? - Lobov trợn tròn mắt.
– Không sao… tôi chỉ nói vậy; cậu nói tiếp đi!
– Phù, thật vớ vẩn, tuy vậy, ngài có kiểu nghĩ thật buồn cười! Ông ta
hoàn toàn không treo cổ (tại sao lại phải treo cổ?). Ngược lại, ông ấy đi rồi.
Tôi vừa mới đưa ông ta lên tàu, tìm chỗ ngồi cho ông ấy, rồi chạy tới đây
luôn. Ôi trời, ông ta uống mới khiếp, tôi sẽ kể cho ngài biết! Chúng tôi
uống hết ba chai, Predposylov cũng vậy. Nhưng mà ông ấy uống mới khiếp
làm sao chứ! Hát toáng lên ở trong toa tàu, nhớ tới ngài, lấy tay ra dấu cúi
đầu chào ngài. Mà ông ấy là hạng đểu cáng, ngài nghĩ sao, hả?