những tình tiết, những câu nói, hành động, dần lộ diện. Tác giả đã để
Veltraninov kẻ được xem là có khả năng tự phân tích hơn cả, đã đánh giá về
nạn nhân/kẻ bạo hành mình -Trusotski như sau: “Đó là một sinh vật dưới
hầm và là một sinh vật quái đản, nhưng mà sinh vật ấy cũng là người cùng
với những những niềm vui, nỗi buồn và nhận thức của mình về hạnh phúc,
về cuộc đời. Sao mình lại đâm sầm vào cuộc đời anh ta làm gì nhỉ? Việc gì
mà bọn mình phải đỏ mặt lên với nhau, việc gì phải nhìn nhau bằng con
mắt thù địch, khi mà cuộc đời vốn được dành cho hạnh phúc và khi mà nó
ngắn ngủi đến vậy? Ô, sao mà cuộc đời ngắn ngủi nhường vậy! Sao ngắn
vậy hả trời?”.
Sau những gì đã trải qua, kể cả sau câu trữ tình cảm thán đầy tính nhân
văn và thấm đậm tinh thần cơ đốc giáo, người đọc những tưởng Veltraninov
sẽ rẽ sang một lối đi mới để mà “lột xác, hồi sinh”, trở thành người có ích.
Nhưng không, anh ta vẫn vậy, vẫn là kẻ lãng du, vẫn kẻ vô trách nhiệm với
đời.
Cả Trusotski cũng vậy. Ông ta trước sau vẫn là một người chồng vĩnh
viễn nhẫn nhục, hiền lành, nếu chưa tận mắt thấy được “nhân chứng, vật
chứng” về việc mình bị cắm sừng!
Dostoevski là như thế.
Ngay từ khi mới ra đời Người chồng vĩnh cửu đã được đón nhận nồng
nhiệt. N.N. Strakhov, nhà phê bình và là ông chủ tạp chí Rạng đông, là
người đầu tiên vào tháng 2 năm 1870 viết cho tác giả: “Truyện dài của anh
đã đem lại ấn tượng sống động và không còn gì phải nghi ngờ, sẽ gặt hái
những thành công lớn. Theo tôi, đây là một trong những tác phẩm được gọt
giũa nhất của anh, - còn về đề tài - đó là một trong những đề tài sâu sắc
nhất, thú vị nhất mà anh từng viết: tôi nói về tính cách của Trusotski; nhiều
người có thể sẽ không hiểu, song họ vẫn đọc và sẽ đọc một cách say mê”.
Sau một tháng ông thông báo cho Dostoevski: “Lời phỏng đoán của tôi đã
thành hiện thực. Người chồng vĩnh cửu của anh đã lôi cuốn được sự quan
tâm vô cùng lớn và người ta đang tranh nhau đọc”.