cứ thứ gì ông muốn, bất cứ thứ gì. Hầu hết trong số chúng, bất chấp những
yêu cầu bắt buộc phải học, tận sâu trong đáy lòng, chúng vẫn coi đây như
một trò chơi tẻ nhạt, buồn chán. Một số ít còn lại, những kẻ có nhận thức
sắc sảo hơn, những kẻ đang mơ mộng một ngày kia sẽ viết nên một cuốn
tiểu thuyết của riêng mình, như Faulkner, James hay Conrad, đang tỏ ra
chắc nịch rằng, những tác phẩm trước đó về đề tài này chẳng đáng một
đồng xu - chúng sẽ không nói gì thêm trong một khoảng thời gian nữa.
Chúng đang đợi đến khoảnh khắc khi chúng có thể bước ra dưới ánh đèn
như một thám tử ngôi sao đưa ra lời giải cho vụ án Huxley này. Cho tới lúc
đó, hãy cứ để những kẻ ngu si khác lúng túng với câu đố, hãy cứ để đống
bùn được khuấy lên trước đã.
Đống bùn được khuấy lên đầu tiên bởi Alexander Mong. Dĩ nhiên cậu
ta nhận thức được việc mình đang làm, cậu ta không phải là thằng ngốc.
Thậm chí có thể một phần triết lý của một họa sĩ tranh sơn dầu như cậu ta là
phải nhìn nhận và hành xử mọi việc dưới lớp vỏ của một đứa trẻ con. Một
người da trắng sẽ có thể trở nên hung hãn vì vấn đề này, nhưng Alexander
thì không. Bằng một nụ cười phương Đông tuyệt đẹp, cậu ta nói, “Cuốn tiểu
thuyết này nói về một ông già nổi đóa ghen tuông vì sự rằng ông ta đã quá
già đối với cô bạn gái. Lão ta bỏ tiền ra thuê người tìm cách biến lão trở nên
trẻ trung hơn. Nhưng vô ích. Trong khi ông bác sĩ của lão thì đang bem cô
người yêu của lão. Uất quá lão ta mới định giết ông bác sĩ, ai dè bắn nhầm
tên trợ lý. Ông bác sĩ vì tiền đã bao che cho lão rồi tất cả bọn họ biến sang
Anh để tìm tên bá tước, người đang làm trò khỉ với một cô gái trẻ trong
hầm rượu...”
Sự hưng phấn gầm lên khi Alexander nói đến đây. George mỉm cười
độ lượng và nói, “Cậu bỏ qua Pordage và Propter, vai trò của họ trong câu
chuyện là gì?”
“Pordage? Ồ phải, hắn ta là người phát hiện ra việc tên bá tước ăn
những con cá điên...”