một ý tình nhã nhặn, một thái độ thân thiện. Anh em cả mà, ai rồi cũng
chết, lấy chín bỏ làm mười, thương nhau và đừng nổi đoá tàn sát nhau).
Giờ thì tôi có cảm tưởng bác thợ cạo đang lên cơn bực và tức khí, bác
muốn xổ toẹt và cũng muốn nghe, rằng, thật ra bác muốn nhắn nhủ ra toàn
thế giới. Có đi cả nghìn dặm bác cũng chẳng tìm được ai sẵn sàng nghe
thông điệp của bác hoặc tiếp vận lại cho thế giới tường tận.
Tôi hỏi, hút thuốc nhé?
Bác thợ cạo nói, Tôi không muốn gì hết.
Tôi gấp giúp bác khăn lau nhé?
Ông ra khỏi tiệm tôi ngay.
Đây rõ ràng là một người ngang tàng mà tôi từng gặp. Đôi khi tôi cũng bị
chê trách bởi một số đàn bà chịu khó theo dõi những diễn biến của văn
chương hiện đại như thể là đầy bí hiểm và khó tiên liệu, nhưng có gì đi nữa,
tôi cũng là một nhà văn. Người ta trông đợi một nhà văn phải cảm kích với
những dòng văn bí hiểm, vân vân và vân vân, nhưng với anh thợ cạo, người
ta chỉ đòi hỏi hoặc là cắt tóc hoặc là cạo râu hoặc cả hai, với một ít lời đàm
thoại lễ phép, vậy thôi. Những người đàn bà có thì giờ thường hay tin rằng
nhà văn bẩm sinh luôn có những đặc chật nho nhỏ gì đó, nhưng có lẽ người
độc nhất trên đời này có thể dành cho thợ cạo những ưu thế tương tự là một
nhà văn.
Nhà văn ít tự ái lắm. Họ biết họ là một sinh vật gọi là người, một ngày nào
đó họ sẽ bị tiêu tán và bị lãng quên. Thế gian này, chúng ta đến, chúng ta
đi, và chúng ta bị quên lãng. Biết vậy, nên nhà văn thì tao nhã dịu dàng,
trong khi những người khác thì hà khắc và ác hiểm.
Tôi quyết định trả bác thợ cạo trọn vẹn tiền hớt tóc. Sáu mươi lăm thay vì
ba mươi lăm xu. Lúc nào muốn cắt tóc chả được. Có nhiều cái quan trọng
hơn là cứ chắc mẩm rằng mình bị bịp.
Tôi nói, Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ rằng nếu không trả tiền thì chẳng điệu nghệ
chút nào. Quả thật là bác chưa cắt xong cho tôi nhưng không chừng sẽ tiếp
tục vào một bữa khác cũng nên. Tôi ở gần đây mà, còn gặp nhau dài dài.
Bác thợ cạo nói, Mời ông ra khỏi tiệm tôi ngay. Tôi không muốn những
người như ông đến đây. Đừng bao giờ trở lại nữa, tôi không có thì giờ.