19
“Vậy là giờ anh ở bên đội điều tra án mạng,” Fredrik nói, mỉm cười sau cặp
kính râm. Huy hiệu nhà thiết kế bên gọng nhỏ đến mức phải có cặp mắt
diều hâu như của Simon mới nhìn ra, nhưng phải là người có hiểu biết về
nhãn hiệu sâu rộng hơn Simon mới biết nó độc quyền thế nào. Dẫu vậy
Simon cho là cặp kính râm hẳn phải đắt tiền, hài hòa với sơ mi, cà vạt,
móng tay được cắt tỉa và kiểu tóc của Fredrik. Nhưng thật ra thì, com lê
xám nhạt đi với giày nâu sao?
Hay thời nay như vậy được xem là thời trang.
“Phải,” Simon nói và nheo mắt. Ông ngồi xoay lưng lại hướng gió và mặt
trời, nhưng mấy tia nắng hắt lại từ cửa kính tòa nhà mới xây bên kia kênh.
Họ gặp nhau theo yêu cầu của Simon, nhưng chính Fredrik là người đề
nghị nhà hàng Nhật ở Tjuvholmen; Tjuvholmen nghĩa là “đảo của bọn
trộm” nên Simon băn khoăn liệu nó có hợp với hết thảy những công ty đầu
tư tọa lạc ở đó không, kể cả công ty của Fredrik. “Còn anh thì đang đầu tư
tiền của những người giàu đến mức bất cần biết nó thế nào nữa?”
Fredrik cười. “Đại loại là vậy.”
Phục vụ bàn đã đặt trước mặt mỗi người một đĩa nhỏ đựng thứ gì trông như
con sứa bé xíu. Simon nghĩ là con sứa bé xíu thật. Có lẽ đó là món ăn hằng
ngày ở Tjuvholmen; sushi đã thành pizza của tầng lớp trung thượng lưu.
“Có bao giờ anh thấy nhớ Phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng không?”
Simon nói, nhấp ngụm nước trong ly. Người ta bảo đó là nước lạnh từ Voss
được gửi đi Mỹ rồi nhập khẩu trở lại Na Uy, bị tước sạch các khoáng chất
cơ bản mà cơ thể cần và là thứ ta được uống miễn phí từ vòi, sạch sẽ thơm
ngon, tại Na Uy. Sáu mươi krone một chai. Simon đã thôi không còn cố
hiểu động lực thị trường, các nét tâm lý của nó, và sự tranh giành quyền