Để tránh rơi vào vòng lao lý với một cái án cầm chắc sẽ rất nặng, Năm
Vĩnh chọn cho mình giải pháp duy nhất: đăng lính. Với kế hoạch Việt Nam
hóa chiến tranh, người Mỹ bắt đầu rút dần quân đội về nước, để lại cho
quân đội Việt Nam Cộng hòa một lỗ hổng lớn, đầu tiên là về mặt tinh thần.
Sự tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng trên khắp các chiến trường đã
khiến cho quân số của ngụy quân, đang rệu rã tinh thần, hao hụt liên tục.
Để bù đắp, ngụy quân ráo riết bắt lính. Bất cứ một thanh niên lành lặn tuổi
từ 18 đến 37 nào cũng có thể nộp đơn xin vào quân ngũ ngay mà không hề
bị xét hỏi lôi thôi. Đặc biệt, đăng lính vào khoảng từ ngày mồng 10 - 20
hàng tháng thì càng chắc chắn được các nhân viên tuyển quân dịch gật đầu
ngay. Lý do đơn giản: 10 hoặc 20 ngày lương đầu tháng của chú tân binh sẽ
nghiêm nhiên chảy vào túi các “thầy” tuyển quân dịch, đó là chưa kể thêm
khoản định mức 400đ/tân binh được quân đội cho hưởng, thành thử việc
thẩm tra, thẩm vấn dại gì phải làm căng!
Lúc này, quân chủ lực của vùng II chiến thuật ngụy (gồm khu vực miền
Trung và Tây Nguyên) là sư đoàn 23 bộ binh với các đơn vị: Trung đoàn 44
đóng ở Sông Mao (Bình Thuận), trung đoàn 53 ở Bảo Lộc và trung đoàn 45
đóng ở Buôn Ma Thuột. Trong số đó, Trung đoàn 44 là đơn vị thiện chiến
nhất, anh cả của sư 23. Nguyên thủy, nó là sư đoàn Nùng khét tiếng tàn bạo
và thiện chiến đóng ở Quảng Ninh, thời còn thuộc quân đội Liên hiệp Pháp,
do Đại tá Voòng A Sáng chỉ huy. Những tên lính Nùng này giỏi trận mạc
bao nhiêu thì cũng rừng rú, hoang dã và bất trị bất nhiêu. Ngoài chỉ huy
trực tiếp, những tên lính Nùng tuyệt đối không thần phục và nghe lệnh bất
kỳ ai khác. Thậm chí khi nổi nóng, chúng (có thể) còn dám cắt tai cả Tổng
thống! Lo sợ đám kiêu binh làm loạn, Ngô Đình Diệm đã chia nhỏ quân số
Sư đoàn 5 (tên gọi của Sư đoàn Nùng thời Đệ nhất Cộng hòa), lấy từng bộ
phận của chúng để hình thành nên các lực lượng mới như Lực lượng liên
binh phòng vệ phủ Tổng thống, Liên đoàn Biệt động quân, Lữ đoàn dù…
sau đó tuyển tân binh cho đủ quân số, lập lại Sư đoàn 5, giao cho Nguyễn
Văn Thiệu - đang mang lon Đại tá - làm sư trưởng, đưa chúng lên tận Đà
Lạt trú quân để đề phòng hậu họa. Sau nhiều thăng trầm dâu bể, một phần