Khoảng những năm 1932-1933, Sơn Vương Trương Văn Thoại - mới 23
tuổi - đã danh nổi như cồn ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng lục tỉnh, chủ
yếu nhờ những tác phẩm trung thiên tiểu thuyết đăng tải trên báo. Có thể
xem Sơn Vương như một người tiên phong có công trong việc cách tân nền
tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Vẫn là tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, song tác
phẩm của Sơn Vương đã có sự thay đổi tiến bộ lớn lao về mặt hình thức.
Nhân vật tướng cướp nghĩa hiệp cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo của
Sơn Vương đã đoạn tuyệt hẳn với thanh gươm lưng ngựa, thay vào đó là
các trang công tử lái xe hơi như bay, bắn súng lục bằng cả hai tay và ném
tạc đạn ùng oàng. Đáng kể nhất là ba cuốn: Luật rừng xanh, Chén cơm lạt,
và Tướng cướp hào hoa.
Rất đông nhà văn, nhà báo thế hệ sau đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của
Sơn Vương, cả về khí phách chống cường quyền, áp bức, ủng hộ dân nghèo
lẫn lối hành văn bình dân trong sáng và giản dị. Nhưng ít ai biết rằng, tất cả
những nhân vật tướng cướp nghĩa hiệp ấy đều chính là hiện thân của tác giả
Sơn Vương. Thay vì tìm tư liệu để viết, Sơn Vương đã tự… tạo ra tư liệu.
Trong hơn hai năm, từ 1931-1933, Sơn Vương đã đơn thương độc mã, gây
ra hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa nhằm vào các phú hộ, địa chủ
gian ác khắp các vùng từ Đồng Nai đến Sài Gòn, Long An nhưng tung tích
vẫn không hề bị lộ. Người ta chỉ thầm ngưỡng mộ một Sơn Vương - nhà
văn - cao gầy dong dỏng nói năng nhỏ nhẹ, thường ngồi trọn buổi sáng bên
lề đường với một bộ xá xẩu bằng lụa Tân Châu để bán sách của chính
mình.
• • •
Giữa năm 1933, Sơn Vương dời địa điểm bán sách sang lề đường
Charner (Nguyễn Huệ). Tại đó, ông gặp gỡ và kết nghĩa huynh đệ với một
thanh niên tên là Nguyễn Phương Thảo, người sau này nổi danh với cái tên
Trung tướng độc nhãn Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lượng quân sự Nam
Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp (1945-
1954).