tôi sợ vã mồ hôi, không dám nhìn chiếc xe vừa lao vừa đảo như làm xiếc
trên miệng vực. Xuống hết dốc, gã cho xe lao hẳn xuống lòng suối toàn đá
trâu đằm phủ rêu trơn trợt, nước ngập đến thắt lưng. Đồ đạc, máy ảnh, pin,
đèn mà tôi mang theo, tất thảy đều bị ngâm vào nước. Xe khựng lại đổ
nghiêng và tắt máy. Tôi vọt ngay lên bờ, vứt túi đồ xuống mặt đất, vớ ngay
một cục đá và lao đến trước mặt Quảng quát:
– Đồ điên! Định giết bố mày đấy à? Sao không đạp phanh chạy từ từ?
Bác tài tỉnh bơ giải thích:
– Đứt phanh! Anh bảo làm sao tôi chạy chậm được?
Ngán ngẩm và lạnh toát sống lưng, tôi quăng cục đá, thả bịch mông
xuống phiến đá bên bờ suối. Quảng lúi húi giở đồ nghề. Trong lúc Quảng
sửa xe, tôi tranh thủ đảo mắt quan sát khắp vùng. Bên kia suối, có một tay
“mục đồng” với ngọn roi trong tay đang lùa cả một đàn gần 30 con heo,
mỗi con cỡ một tạ lội qua suối. Chỉ một mình anh ta, nhưng cả bầy heo vẫn
ngoan ngoãn vượt suối rồi chen nhau chạy lon ton dọc con đường mòn. Núi
rừng mênh mông nhưng đàn heo vẫn tỏ ra hết sức kỷ luật, không còn nào
lủi vào bụi hay rẽ sang đường khác. Quảng bù lỗ cú “đứt phanh” khi nãy
bằng lời giải thích:
– Trước khi lùa heo đi, mấy chả lấy lửa đốt hết mi mắt chúng. Tạt ngang
ngửa, đụng phải lá cây là xót nên bầy heo cứ thế đi thẳng, không chạy lung
tung đâu cả. Nếu không thì còn mệt.
Ra là thế. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nhưng tôi biết,
đến lượt mình tôi sẽ không làm được thế. Kinh nghiệm sống của con người
phần nhiều đồng nghĩa với sự nhẫn tâm, tôi theo không nổi. Có điều, vì
được Quảng giải thích, tôi chợt đâm ra có thiện cảm với tên cà chớn.
Khi bầy heo vừa đi khuất, bác tài lại cho xe nổ máy. Vượt thêm chừng
hai ngọn đồi, gã lại đột ngột cho xe ngoẹo đầu, dừng lại ngay lưng chừng
dốc. Vẫn tỉnh rụi, Quảng thông báo:
– Nghe “cạch” một tiếng là tôi đã nghi. Hóa ra cần đạp số… rớt mất tiêu
rồi.