mềm mại đến hoàn hảo và sự đồng nhất xét về mặt áp lực mà những sợi
mây đã tạo ra. Anh thích...”
“Ô vâng,” Ursula hưởng ứng. “Em cũng thế.”
“Bao nhiêu tiền!” Birkin hỏi người bán.
“Mười si-ling .”
“Giao hàng tận nơi chứ?”
Chiếc ghế đã được mua đứt.
“Thật đẹp, rất tinh xảo!” Birkin nói. “Nó khiến tim anh vỡ òa.” Cả hai
tha thẩn tản bộ giữa những đống đồ cũ. “Ôi quê hương yêu dấu của tôi,
ngay cả một chiếc ghế cũng chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm.”
“Thế bây giờ không còn nỗi niềm nữa hay sao?” Ursula hỏi, Cô thấy bực
bội khi anh thốt ra giọng điệu ấy.
“Không, không hề. Khi anh nhìn thấy chiếc ghế xinh xắn, tinh tế ấy, anh
đã nghĩ về nước Anh, thậm chí là một nước Anh trong tưởng tượng của
Jane Austen . Phải có những ý nghĩ hết sức sinh động để bộc lộ ra điều đấy
và niềm hạnh phúc vô bờ bến trong việc bày tỏ những quan điểm của mình.
Giờ đây, chúng ta chỉ có thể lần mò giữa những đống đồ cũ, giữa những
đống rác rưởi để tìm được chút dấu vết còn lại về những quá trình diễn đạt
xưa cũ của bọn họ. Giờ đây chúng ta chẳng còn sản xuất chế tạo gì nữa, tất
cả đều dành cho đám máy móc xấu xí và bẩn thỉu thực hiện.
“Không đúng.” Ursula cao giọng. “Tại sao anh lúc nào cũng phải ngợi ca
quá khứ, trong khi đang ăn bám vào hiện tại? THỰC SỰ, EM không hề
hoài niệm gì nhiều về nước Anh của Jane Austen. Như thế là quá duy vật,
nếu anh muốn...”
“Nó có thể dẫn đến một cuộc sống quá thiên về vật chất,” Birkin nói,
“bởi nó có sức mạnh, có quyền lực trở thành những điều khác, thứ mà
chúng ta không hề có. Chúng ta là những kẻ xem nặng vật chất chỉ vì chúng
ta không có sức mạnh để trở thành bất cứ một thứ nào khác. Hãy cứ cố khi
chúng ta có thể, chúng ta không thể cứu rỗi bất cứ điều gì ngoài thứ chủ
nghĩa duy vật: Những cơ chế máy móc, chính là quốc hồn quốc túy của chủ
nghĩa duy vật.”