tuổi đó, chẳng còn là trẻ con nữa, thì sẽ khó chấp nhận khi trái tim bị đùa
giỡn như thế.
“Thay vì dần dần dão ra, cắt đứt từng chút một với y, cho y cơ hội qua
được chuyện đó, thì cô ấy lại chọn cách tồi tệ nhất. Cô ấy chẳng chịu nhả
miếng bánh cho đến khi bắt buộc phải nhả; những lần y gọi điện, những lần
đi ăn trưa, những lần hẹn hò buổi tối, những nụ hôn trên taxi. Cái tôi của cô
ấy cần những điều đó. Cô ấy đã quen với những điều đó, nếu không có thì
cô ấy sẽ nhớ lắm. Thế nên cô ấy lần lữa, trì hoãn. Cô ấy đợi cho đến tận cái
đêm họ theo lịch là phải lên tàu cùng nhau đi Nam Mỹ; đợi cho đến khi y
đến tận nhà – ngay khi ông đi khỏi – đón cô ấy ra bến tàu cùng y.
“Tôi chẳng ngạc nhiên là chuyện đó khiến cô ấy mất mạng. Phải nói là
nếu không thì tôi mới ngạc nhiên. Y nói là y đã đến trước khi ông ra khỏi
nhà, tránh ông ở đợt cầu thang đi lên tầng trên, quá cửa nhà ông, đợi cho
đến khi ông ầm ầm ra khỏi nhà. Cũng tình cờ là hôm đó không có ai trực ở
sảnh cả, nên không ai trông thấy y vào. Sau đó chúng tôi cũng biết được là
không ai thấy y đi ra nữa.
“Dù sao thì chính cô ấy mở cửa cho y vào rồi trở lại chỗ cái gương, rồi
khi thấy y hỏi là đã thu xếp hành lý xong chưa thì cô ấy cười vào mặt y. Có
vẻ như tối hôm đó là tối cô ấy cười vào mặt người khác. Cô ấy hỏi lại y
rằng là chẳng lẽ y thực sự tin là cô ấy chịu chôn vùi mình ở Nam Mỹ, để y
muốn làm gì thì làm, để y thích cưới cô ấy lúc nào thì cưới, một khi không
còn đường thối lui hay sao? Rằng cô ấy bỏ một người để chạy theo một
người khác hay sao? Cô ấy thích cuộc sống hiện tại và sẽ chẳng chịu từ bỏ
một cái chắc chắn để chọn may rủi đâu.
“Nhưng thật ra chính cái tiếng cười kia mới là yếu tố quyết định. Nếu
như cô ấy vừa khóc vừa nói với y mấy điều đó, hoặc thậm chí là cứ để bộ
mặt lạnh tanh cũng được, thì y nói là chắc y sẽ buông thôi. Ra ngoài uống
cho đến thật say, chắc là thế, nhưng hẳn là cô ấy sẽ vẫn sống sau khi y đi.
Tôi cũng nghĩ vậy.”
“Thế là ông ta giết cô ấy,” Henderson nói nhỏ.