Ngày ấy bà Cần đang làm đội trưởng nữ dân quân thôn Hiệp Lực
bên cạnh con sông quanh năm nửa trong, nửa đục, vì mê lão mà
mắc tội hủ hoá bị mang ra kiểm thảo. Trong cuộc họp kiểm thảo
người ta đấu tố, lăng mạ bà bằng đủ loại ngôn từ. Những từ mà chỉ
nghĩ đến chứ chưa cần phun ra từ mồm các đồng chí của bà cũng
làm người ta đỏ mặt, xấu hổ. Chửi chán, sỉ nhục chán không hiệu
quả, họ xoay sang phỉnh nịnh hòng biết xem ai là thủ phạm của cái
thai trong bụng bà. Bà lặng im như ngậm hột thóc. Thái độ phớt lờ,
thi gan của bà như trêu tức họ. Dù thế nào thì thế, bà quyết không
khai ra lão. Lão rất nể phục và thương bà. Có lúc lão không nhịn
được, định phun ra lão là thủ phạm. Nhưng rồi cuối cùng lão cũng
kìm được. Lão không can đảm như bà, lão sợ mất cái chức phó bí
thư chi bộ. Bây giờ nghĩ lại thấy vẫn còn xấu hổ cho sự hèn yếu của
mình. Vì cái chức bé như hạt mè chả có chút giá trị gì mà làm cho
lão đánh rơi mất tình người. Lão chỉ bo bo lo giữ sợ mất đi thể
diện. Giờ thì lão biết, nó chỉ là cái sĩ diện hão huyền.
Rồi người ta cũng nghe bà lên tiếng. Tiếng nói xuất phát từ sâu
thẳm lòng mình, pha chút uất nghẹn:
- Tôi tưởng cái ấy là của tôi thì tôi được phép dùng, chứ nếu nó
là của Đảng sao tổ chức không cử người đến giữ.
Chỉ một câu đó thôi, bà không thèm nói thêm lời nào. Bà bị mất
chức, bị kỷ luật. Và đời bà xuống dốc từ đấy. Bao nhiêu năm chung
sống chưa bao giờ bà kêu ca, phàn nàn về chuyện này. Bà không hối
tiếc.
* * *