có thể chụp những ống khói lạnh lẽo. Hoặc là ông bỏ đi luôn? Chẳng
ai ép buộc ông phải chụp ảnh ngôi làng Hesjövallen và cư dân của nó.
Ông đã có đủ ảnh về Thụy Điển, một đất nước đang dần biến mất, về
những chốn thâm sơn cùng cốc, những làng mạc hẻo lánh đôi khi được
người Đức hoặc người Đan Mạch cứu vớt bằng cách sửa sang những
trại ấp này thành những ngôi nhà nghỉ hè, hoặc đơn giản là để chúng
tàn tạ dần cho tới khi bị đất nuốt mất.
Ông quyết định rời khỏi đây và chui vào xe. Nhưng bàn tay ông còn
do dự vặn chìa khóa cho xe nổ máy. Một khi đã đến được tận chỗ này,
thì ít ra, ông cũng nên chụp lấy một vài tấm ảnh chân dung của dân
làng. Karsten Höglin vẫn luôn rình kiếm những khuôn mặt, nhất là
khuôn mặt của người già. Ông nuôi dưỡng một kế hoạch bí mật là
trước khi vĩnh viễn gác máy sẽ xuất bản một cuốn sách ảnh chân dung
phụ nữ. Những tấm ảnh của ông sẽ phác họa cái vẻ đẹp mà người ta
chỉ có thể tìm thấy trên khuôn mặt những người phụ nữ đã rất già.
Những bà lão mà cuộc sống của họ với bao nhiêu nhọc nhằn đã được
chạm khắc vào làn da, như những lớp nham kết tầng trong vách đá.
Ông lại ra khỏi xe, kéo chiếc mũ lông trùm kín tai, với tay cầm
chiếc máy Leica M18 đã theo ông cả chục năm trời rồi đi đến ngôi nhà
gần nhất. Ở đây cả thảy có khoảng gần chục nóc nhà, phần lớn có màu
đỏ, một vài nhà làm thêm lối vào có mái che. Ông chỉ nhìn thấy một
ngôi nhà duy nhất còn mới, nếu như ông xem nó như là mới, vì nó
được xây dựng từ những năm 1950. Ông dừng lại trước cổng vườn,
giơ máy ảnh lên chụp.
Tấm biển cho ông biết gia đình Andren sống ở đây. Ông chụp liền
mấy pô, chỉnh lại ống kính và độ sáng, chọn các góc chụp khác nhau.
Trời vẫn còn u ám, ông nghĩ vậy. Đoán chừng ảnh sẽ không được nét,
sẽ bị mờ, nhưng cũng không có gì chắc chắn. Làm nhà nhiếp ảnh có
nghĩa là đôi khi phát hiện ra được những điều bất ngờ.
Karsten Höglin thường làm việc thuần túy theo trực giác. Điều này
không có nghĩa là ông không thèm để ý đến việc đo độ sáng, một khi