nhìn thấy. Bà che ánh sáng ngọn đèn pin, đi qua sân nhà hàng xóm để
đến được phía sau ngôi nhà. Trong chiếc xe cảnh sát vẫn không thấy
có động tĩnh gì. Bà đưa tay lần tìm chìa khóa nhà.
Khi bước vào trong hành lang, bà thấy rùng mình. Bà lấy từ trong
túi áo khoác ra một chiếc túi nilon, thận trọng mở ngăn kéo bàn.
Bỗng nhiên đèn pin của bà tắt ngấm. Bà lắc lắc cho nó sáng lại,
nhưng không được, tuy vậy, bà vẫn lấy những bức thư và những cuốn
sổ nhật ký nhét vào chiếc túi nhựa. Một bọc thư tuột khỏi tay bà, làm
bà phải quờ tay lên sàn nhà lạnh băng để tìm lại nó.
Rồi bà vội vàng trở lại xe. Người phụ nữ trực bên quầy lễ tân ngạc
nhiên khi thấy bà từ bên ngoài đi vào khách sạn.
Bà chỉ muốn được đọc ngay những thứ vừa đem về, nhưng rồi lại
quyết định ngủ thêm hai tiếng nữa. Bà thức dậy vào lúc chín giờ sáng,
đi xuống quầy lễ tân mượn một chiếc kính lúp rồi ngồi xuống bên
chiếc bàn mà bà đã kéo đến sát bên cửa sổ trong phòng mình. Những
người làm quảng cáo kết thúc hội nghị, bắt đầu lục tục lên đường, chui
vào những chiếc xe con, hoặc xe bus của họ. Bà treo tấm biển “Đề
nghị không làm phiền” vào quả đấm cửa ở bên ngoài và bắt đầu đọc
mấy quyển sổ. Công việc tiến triển rất chậm, có những từ, thậm chí cả
câu, không thể luận ra được.
Bà cũng nhanh chóng nhận ra đằng sau chữ viết tắt J.A. ẩn náu một
người đàn ông. Tại sao ông ta không xưng là “tôi” một khi nói về bản
thân mình mà lại phải dùng các chữ đầu của tên họ. Ông ta là ai, thoạt
đầu bà còn chưa rõ, nhưng rồi bà nhớ đến bức thư thứ hai mà bà tìm
thấy trong số giấy tờ của mẹ. Jan August Andrén. Hẳn là ông ta. Ông
ta là cai thợ của một công trường xây dựng đường sắt khổng lồ đang
từ từ vượt qua sa mạc Nevada vươn tới miền Đông, ông ta tả rất tỉ mỉ
và cầu kỳ về trách nhiệm của mình. J.A. kể về những thanh tà vẹt,
những thanh ray và ông ta đã phải sẵn sàng cúi đầu trước những người
đàn ông thuộc giai tầng trên, những người đã khiến ông ta sợ hãi với
quyền lực của họ. Ông ta tả về những bệnh tật đã tấn công mình, trong