biết rằng đây chính là người đàn ông đã viết bức thư kẹp trong số giấy
tờ của mẹ bà để lại.
Bà đứng dậy đi đến bên cửa sổ. Một người đàn ông đang xúc tuyết.
Trước kia đã có một người đàn ông từ Hesjövallen di cư đi, dưới cái
tên là Jan August Andrén, bà thầm nghĩ. Ông ta đến Nevada làm công
nhân xây dựng đường sắt, rồi trở thành cai thợ, ông ta không ưa cả
người Ái Nhĩ Lan lẫn đám người Hoa dưới quyền chỉ huy của mình.
Người vợ chưa cưới mà ông ta tưởng tượng ra có thể chỉ là một trong
“những người đàn bà lang chạ lảng vảng quanh công trường xây dựng
đường sắt” như ông ta đã viết ở những đoạn khác trong cuốn nhật ký.
Họ lây truyền các bệnh hoa liễu trong đám thợ. Đám đĩ điếm lần theo
bước tiến của các công trường xây dựng đường sắt thường gây ra
những chuyện lộn xộn và phức tạp. Không những chỉ chuyện phải thải
hồi những người bị mắc bệnh, mà còn có những trận ẩu đả thường
xuyên bùng nổ do tranh giành phụ nữ.
Đến phân nửa cuốn nhật ký, J.A. kể lại một người Ái Nhĩ Lan tên là
O’Connor đã bị kết án tử hình vì giết một người thợ Tô Cách Lan. Hai
gã đó say rượu và đánh lộn nhau vì một người đàn bà. O’Connor bị
treo cổ, vị thẩm phán từ nơi khác đến đã đồng ý không thi hành án
trong thành phố, mà tiến hành trên một quả đồi gần nơi đang có công
trường xây dựng đường sắt. Jan August Andrén viết: “Tôi thấy việc
này rất tốt, mọi người đều sẽ thấy rượu và dao sẽ dẫn họ tới đâu.”
Ông ta tả rất tỉ mỉ về cái chết của người thợ Ái Nhĩ Lan. “Đó là một
chàng trai còn rất trẻ, gần như chưa có lông tơ mép.”
Đó là một buổi sáng sớm. Việc thi hành án được diễn ra ngay trước
khi bắt đầu ca sáng. Ngay cả một vụ hành quyết cũng không được
khiến một thanh tà vẹt, một thanh ray bị rải muộn. Các cai thợ đã nhận
được lệnh, tất cả thợ thuyền đều phải có mặt trong buổi hành quyết.
Gió lạnh buốt. Jan August Andrén buộc một chiếc khăn che kín mồm,
mũi khi đi vòng quanh các lán trại và kiểm tra xem thợ của mình đã ra
khỏi lều đi đến bãi hành quyết chưa. Giá treo cổ được dựng trên một