ngờ vực lẫn nhau. Tôi nhầm chăng?
– Phải đấy. Ông đã nhầm. Tôi không có gì để nói với ông.
– Nhưng bà không thể chối cãi là đã nói chuyện với bà ấy chứ?
– Điều này tôi cũng không làm.
– Tôi tự hỏi một nữ thẩm phán từ Helsingborg làm gì ở đây? Bà có
liên quan gì đến cuộc điều tra? Trong một làng nhỏ heo hút ở phía Bắc
đã xảy ra những điều khủng khiếp và Birgitta Roslin phóng xe từ
Helsingborg đến đây.
Bà giật nẩy mình.
– Ông muốn gì? Do đâu mà ông biết tôi là ai?
– Đó là chuyện phương pháp. Cả cuộc đời người ta tìm kiếm
phương cách tốt nhất để đạt được mục đích của mình. Tôi cho rằng
với một thẩm phán thì cũng tương tự thế thôi. Các quy tắc, sắc lệnh,
đạo luật và pháp chế là một chuyện. Nhưng mỗi người đều có phương
pháp của riêng mình. Tôi không còn biết mình đã viết về bao nhiêu
cuộc điều tra hình sự nữa. Một năm trời, tính chính xác là ba trăm sáu
mươi sáu ngày, tôi đã theo dõi cuộc điều tra vụ Olof Palme. Tôi đã
sớm biết rằng sẽ không bao giờ tóm được kẻ giết người, vì cuộc điều
tra đã thất bại trước cả khi nó bắt đầu. Cảnh sát và các công tố viên
chịu trách nhiệm vụ đó chỉ tìm cách vênh vang trước các kênh truyền
hình. Ngày đó có rất nhiều người cho rằng kẻ giết người là Christer
Pettersson. Cho tới khi có một số điều tra viên thông minh nhận ra
rằng ông ta không phải là hung thủ, bất luận ở phương diện nào.
Nhưng chẳng có ai thèm nghe họ. Còn tôi thì dù gì cũng chỉ muốn
đứng ngoài lề, đi vòng xung quanh hết thảy. Như thế có thể phát hiện
ra được những điều mà người khác không thấy. Ví dụ như một nữ
thẩm phán được một nữ cảnh sát ghé thăm - trong khi, nói chính xác
ra, bà ta không có thời gian dành cho việc gì khác ngoài vụ điều tra mà
bà ta phải làm việc hai mươi tư trên hai mươi tư giờ cho nó. Bà đã trao
cho bà ấy cái gì?
– Tôi không trả lời câu hỏi này.