đắp một chiếc khăn ướt lên trán anh và lau sạch đống phân lỏng rỉ ra
từ đít. Hoss đã ở bên nhiều người bệnh đến nỗi dường như chẳng bệnh
gì có thể lây sang ông được nữa. Ông chỉ còn lại một cánh tay từ khi
suýt bị một tảng đá đè chết. Với bàn tay còn lại, ông đắp khăn ướt lên
trán Quốc Sĩ và chờ cho đến khi anh chết.
Bất ngờ gã cai thợ xuất hiện trước cửa lều. Gã ghê tởm quan sát
người đàn ông nằm ở đó trong đống phân lỏng.
– Bây giờ mày muốn chết hay chưa? Hắn hỏi.
Quốc Sĩ tìm cách ngồi dậy, nhưng anh không còn đủ sức.
– Tao cần căn lều này, J.A. tiếp tục nói. Tại sao bọn người Trung
Quốc chúng mày luôn dành nhiều thời gian cho cái chết vậy?
Buổi tối ông già Hoss kể lại cho Sáng những gì gã cai thợ đã nói.
Họ đứng trước cửa lều, bên trong người ốm vẫn nằm và đang mê sảng.
Quốc Sĩ sợ hãi la lên, anh ấy nhìn thấy có ai đó từ hoang mạc đến với
mình. Hoss tìm cách làm cho Sĩ bình tĩnh lại. Ông đã chứng kiến
nhiều cảnh hấp hối nên biết rằng đây là sự hoang tưởng thường thấy ở
những người sắp lìa đời. Một lữ khách từ hoang mạc đến để đón nhận
người chết. Người đó có thể là người bố, hoặc một vị thần, hoặc một
người bạn hoặc có thể là người vợ.
Ông lão Hoss ngồi bên một người Trung Quốc mà chưa một lần biết
tên anh ta. Ông cũng không quan tâm đến cái tên đó. Ai chết, người đó
không cần tên.
Sáng tuyệt vọng chờ đợi.
Ngày đã trở nên ngắn hơn. Mùa thu đang trôi qua. Không lâu nữa,
mùa đông sẽ tới.
Nhưng Quốc Sĩ đã khỏe lại như nhờ một phép lạ. Nó diễn ra rất
chậm, Hoss và Sáng không dám tin, nhưng vào một buổi sáng Quốc Sĩ
đã ngồi dậy được. Thần chết đã rời bỏ thể xác anh mà không đem theo
nó đi.
Vào khoảnh khắc ấy, Sáng quyết tâm một ngày nào đó phải quay trở
lại Trung Quốc. Ở đó, dù gì cũng là nhà của họ, chứ không phải trong