16
Vào một buổi tối mùa thu năm 1868, Sáng ngồi bên chiếc bàn nhỏ
dưới ánh sáng của ngọn nến. Anh vất vả viết những nét chữ đầu tiên
trong câu chuyện về cuộc đời của anh, của hai người anh em đã chết.
Năm năm đã trôi qua từ khi Quốc Sĩ và anh bị Di bắt cóc, một năm đã
trôi qua từ khi anh trở về Quảng Châu với bàn chân của Quốc Sĩ trong
tay nải quần áo. Năm ngoái, anh đã đưa Elgstrand và Lodin đến Phúc
Châu, đã trở thành người phụ việc tận tụy của họ và đã học viết ở một
thầy giáo mà Lodin tìm cho anh.
Buổi tối hôm đó có gió lớn thổi quanh ngôi nhà nơi Sáng đang ngồi
viết câu chuyện của mình lên giấy. Cầm bút lông trên tay, anh lắng
nghe những tiếng động ở bên ngoài và cảm thấy mình như lại có mặt
trên một con tàu.
Mãi rồi anh mới dần dần hiểu ra được mức độ của tất cả những gì
đã xảy ra. Anh cố nhớ lại từng chi tiết để không bỏ sót điều gì. Mỗi
khi có những ký tự hoặc những câu anh không biết, anh lại hỏi thầy
giáo Bùi. Thầy Bùi khích lệ anh không nên để mất thời gian vì ông
cảm thấy cuộc đời mình đã gần đi đến những ngày tháng cuối cùng.
Một câu hỏi cứ luôn theo bên Sáng, kể từ khi họ đến Phúc Châu và
sống trong ngôi nhà mà Elgstrand và Lodin mua. Anh kể câu chuyện
này cho ai? Anh sẽ không trở về ngôi làng của mình nữa, còn những
người khác thì chẳng ai biết anh là ai.
Mặc dù vậy, anh vẫn cứ muốn viết. Nếu quả thật, có một đấng tạo
hóa trị vì những người đang sống và những người đã chết, chắc chắn
Người sẽ có cách để câu chuyện anh viết ra đến được tay một người
muốn đọc nó.
Sáng bắt đầu viết, chậm rãi và khó nhọc trong khi trận gió lay động
những bức tường. Anh khẽ đung đưa người trên chiếc ghế đẩu. Căn