Khi Elgstrand nói xong, mọi người trên sân vội vàng giải tán.
Nhưng ngày hôm sau mọi việc lại lặp lại, mọi người lại đến và kéo
theo những người mới. Cả thành phố đâu đâu cũng nghe người ta nói
về hai người đàn ông da trắng kỳ lạ đã đến an cư ở đây cùng với họ.
Điều mà những người Trung Quốc thấy khó hiểu nhất là Elgstrand và
Lodin tới đây không phải để buôn bán, họ không mua gì, cũng chẳng
bán gì. Họ chỉ đứng đó dùng thứ tiếng Trung còn chưa sõi nói về
Thượng đế của mình, Người luôn đối xử công bằng với tất cả mọi
người.
Những cố gắng của hai nhà truyền đạo trong thời gian đầu không
biết đến giới hạn. Trên cổng lối vào sân nhà được gắn những chữ
Trung Quốc mang ý nghĩa “Giáo đường của Thượng đế chân chính”.
Hình như hai người đàn ông này không ngủ, họ luôn luôn bận rộn. Đôi
khi Sáng nghe họ sử dụng tiếng Trung Quốc để biểu lộ thái độ “cần
phải đấu tranh chống lại sự sùng bái thấp hèn”. Sáng tự hỏi làm thế
nào mà họ lại có thể hy vọng thuyết phục được những người Trung
Quốc bình thường từ bỏ đức tin họ đã có từ nhiều thế hệ nay. Một
Thượng đế đã để con mình phải chịu đóng đinh trên cây thập giá thì
làm sao có thể đem đến cho những người Trung Quốc nghèo khổ niềm
an ủi tinh thần hoặc nghị lực được chứ?
Từ ngày đến thành phố, Sáng có quá nhiều việc phải làm. Khi
Elgstrand và Lodin tìm được ngôi nhà phù hợp với mục đích của họ,
nhiệm vụ của Sáng là tuyển người làm. Do có quá nhiều người tự tìm
đến xin việc, nên Sáng chỉ cần phải lựa chọn dựa vào sự tinh ý của
mình.
Một vài tuần sau khi dọn đến ở trong khu nhà này, như mọi buổi
sáng khác, Sáng ra mở cánh cổng gỗ nặng nề thì thấy có một người
phụ nữ đứng trước mặt mình. Cô ta cúi đầu và nói tên mình là Lạc Kỳ.
Cô đến từ một làng nhỏ bên sông Mân gần Thủy Khẩu. Bố mẹ cô rất
nghèo và cô đã phải bỏ làng đi khi biết bố muốn bán cô làm vợ lẽ cho
một lão già gần bảy mươi tuổi ở Nam Xương. Cô đã van xin bố