– Anh ta không có tên. Nhã Như nói. Bà chỉ cần báo cho tôi biết khi
anh ta đến.
Nhã Như quay lại bên bàn, mở gói quà mà Hồng Quế để lại. Đó là
một chiếc hộp ngọc thạch, bên trong có chiếc lông vũ và một viên đá.
Điều này không có gì là lạ bởi hai chị em họ thường trao đổi quà
tặng mà trong đó ẩn chứa một câu đố hoặc một thông điệp ngầm. Nhã
Như lập tức hiểu ra chị muốn nói gì. Món quà này muốn ám chỉ đến
một bài thơ của Mao chủ tịch. Chiếc lông vũ biểu tượng cho một cuộc
sống bị lãng phí, còn hòn đá biểu tượng cho một cuộc sống và một cái
chết có ích.
Chị cảnh cáo ta, Nhã Như thầm nghĩ. Hoặc cũng có thể là một thách
thức. Ta sẽ chọn con đường nào cho cuộc đời mình?
Anh cười món quà tặng của chị và quyết định đến lần sinh nhật sau
của chị sẽ tặng chị một con chó sói khắc bằng ngà voi.
Nhã Như khâm phục tính kiên trì của chị mình. Những gì liên quan
đến tính cách và ý chí thì chị thật sự là chị của anh. Chị sẽ tiếp tục đấu
tranh với anh, với những người dưới sự chỉ đạo của Đảng đi theo con
đường mà chị lên án. Nhưng chị đã lầm, chị và những người từ chối
một sự phát triển mà nhờ đó sẽ đưa Trung Quốc trở thành đất nước
hùng mạnh nhất thế giới.
Nhã Như ngồi vào bàn làm việc và bật đèn sáng. Anh thận trọng xỏ
đôi găng tay trắng, mỏng bằng vải bông vào. Rồi anh lại tiếp tục lật
từng trang trong quyển nhật ký của cụ Vương Sáng đã được truyền
qua nhiều thế hệ. Chị Hồng Quế cũng đã đọc, nhưng hình như không
có ấn tượng như anh.
Nhã Như giở trang cuối cùng. Cụ Vương Sáng đã thọ được tới tám
mươi ba tuổi thì trở nên rất ốm yếu và không lâu nữa sẽ qua đời.
Những dòng cuối cùng trong nhật ký nói đến nỗi sợ hãi của cụ là sẽ
phải chết mà chưa làm được tất cả những điều cụ đã hứa với những
người anh em của mình: