thiếu ý thức lao động, tính ranh mãnh quỷ quyệt của họ không tìm
thấy ở đâu khác trong đám cặn bã mà ông ta cần phải giày xéo, đánh
đập để tuyến đường sắt có thể tiếp tục trườn về phía trước. Trong
nhiều đoạn, ông ta nói về người Trung Quốc, những người mà ông ta
thích nhất là được dồn họ xuống Thái Bình Dương, để họ tự chọn lựa,
hoặc là chết đuối, hoặc là bơi về Trung Quốc. Nhưng ông ta cũng
không thể chối cãi được rằng người Trung Quốc là những người thợ
chăm chỉ. Họ không uống rượu, chịu khó tắm rửa, và giữ đúng các quy
định. Điểm yếu duy nhất ở họ là ham mê cờ bạc và các nghi lễ tôn
giáo kỳ lạ. Suốt trong thời gian dài, J.A. đã tìm cách lý giải tại sao ông
ta lại không ưa những con người này trong khi chính là nhờ có họ mà
ông ta dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ của mình hơn.
Những người được J.A. coi trọng nhất đến từ vùng Bắc Âu. Ở công
trường xây dựng đường sắt có một nhóm nhỏ người Bắc Âu: vài người
Đan Mạch, Na Uy và một nhóm lớn hơn gồm những người Thụy Điển
và Phần Lan. “Nhóm người này có thể tin cậy được. Họ không lừa dối
tôi, chừng nào tôi để mắt đến họ. Ngoài ra họ không tiếc sức làm việc.
Nhưng khi tôi quay lưng đi, lập tức họ cũng biến thành bọn vô lại như
những nhóm người khác.”
Birgitta Roslin đẩy cuốn nhật ký sang một bên và đứng dậy. Bà cảm
thấy tay cai thợ này ngày càng trở nên đáng ghét. Một người đàn ông
xuất thân tầm thường, nhập cư vào Mỹ và rồi đột nhiên, khi có chút
quyền hành, ông ta trở thành một kẻ tàn nhẫn, bạo ngược. Bà mặc ấm
và ra phố đi dạo rất lâu để ít nhất cũng tạm thời rũ bỏ được cảm giác
khó chịu.
Lúc sáu giờ tối bà mở radio trong bếp. Chương trình thời sự bắt đầu
với giọng nói của công tố viên Robertsson. Bà lặng người lắng nghe.
Cùng với giọng ông ta, người ta còn nghe thấy có tiếng máy ảnh và
tiếng kéo ghế.
Như những lần trước, Robertsson nói rất rõ ràng và mạch lạc.
Người bị bắt hôm trước đã thú nhận một mình gây ra vụ án giết người