Ngược lại mình ủng hộ các phong trào mà mình có niềm tin. Vẫn còn
có những phong trào như thế, lớn mạnh và kiên cường. Giờ thì còn ai
quan tâm đến chuyện chống lại chế độ phong kiến ở một đất nước nhỏ
bé như Nepal? Còn mình. Mình đã ký đơn kiến nghị và đã ủng hộ tiền.
– Mình còn gần như không biết Nepal nằm ở đâu, Birgitta nói. Phải
thừa nhận là mình đã trở nên biếng nhác. Nhưng đôi khi mình cũng
nhớ tiếc những ý định tốt đẹp mà chúng mình đã có. Chúng ta không
chỉ là những sinh viên lầm đường lạc lối, tin rằng mình đang ở tâm
điểm của thế giới, nơi mà không có gì là không thể. Tình đoàn kết là
có thật.
Karin cười.
– Bạn còn nhớ Hanna Stoijkovics không? Cô bồi bàn khùng khùng
trong khách sạn Grand ở Lund, người đã bảo chúng ta đều là những kẻ
khiếp nhược ấy? Cô gái đã chỉ cho chúng ta cái gọi là chiến thuật “các
vụ giết người nhỏ” ấy? Nghĩa là chúng ta sẽ tiến hành giết các chủ nhà
băng, chủ các công ty và giáo viên phản động. Chúng ta phải đi săn
thú dữ, cô ấy đã nói như vậy. Cô ấy cũng đã chết rồi.
– Mình không biết chuyện này.
– Nghe đâu cô ấy nói với chồng rằng hôm nay các chuyến tàu
không chạy đúng giờ. Anh chồng không hiểu ý cô ấy là gì. Sau đó mọi
người tìm thấy cô ấy trên đường tàu gần Arlov. Cô ấy đã cuốn quanh
mình một chiếc chăn len để nhân viên cứu hộ sẽ không thấy rùng rợn.
– Tại sao cô ấy phải tự tử?
– Không ai biết nguyên nhân. Cô ấy chỉ để lại một mảnh giấy trên
mặt bàn bếp: Em đi tàu hỏa.
– Còn chúng ta, bạn trở thành giáo sư, còn mình thành thẩm phán.
– Còn Karl-Anders? Bạn còn nhớ anh ta không? Cái anh chàng lúc
nào cũng ghét bị hói ấy? Người gần như không nói bao giờ nhưng lại
luôn có mặt đầu tiên trong các cuộc họp. Anh ta đã trở thành mục sư.
– Không thể thế được!