nhưng vẫn không thay đổi quan điểm khi viết về con người. Ông ta
vẫn còn căm ghét người da đen và người Trung Quốc. Ông ta sợ người
da đen hoặc da vàng sẽ chuyển đến ở trong một ngôi nhà hàng xóm bỏ
hoang.
Cuốn nhật ký kết thúc ở giữa một câu. Ngày 19 tháng Sáu năm
1892. Ông ta viết, trời mưa cả đêm. Lưng đau nhiều hơn những ngày
khác. Ông ta có một giấc mơ.
Đến đây, mọi thứ kết thúc. Không một ai, kể cả Birgitta Roslin biết
được ông ta đã mơ thấy gì.
Bà nghĩ đến điều hôm qua Karin Wiman đã viết: con đường nội tâm
ngoằn ngoèo cho đến một điểm rồi bỗng nhiên kết thúc. Vậy là, ngày
19 tháng Sáu năm 1892 ấy: những lời bình luận đầy khinh miệt của J.
A. Về những con người có màu da khác đột ngột kết thúc.
Bà giở lại một lần nữa. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ta đã
linh cảm thấy cái chết, hoàn toàn không. Một đời người, bà nghĩ. Nhật
ký của mình, nếu như mình có viết, chắc cũng giống như thế này.
Cũng dở dang như thế này. Thực ra, làm gì có ai có thể đặt dấu chấm
hết cho câu chuyện của mình trước khi nhắm mắt xuôi tay trên
giường.
Bà xếp những quyển nhật ký vào túi nhựa và dự định ngày mai sẽ
gửi trả chúng. Bà sẽ tiếp tục theo dõi cuộc điều tra ở Hudiksvall như
tất cả mọi người.
Bà lấy từ giá sách ra cuốn danh mục các chánh án trên toàn Thụy
Điển. Ông chánh tòa ở Hudiksvall tên là Tage Porsén. Đây sẽ là vụ
tranh tụng để đời của ông ta, bà thầm nghĩ. Hy vọng ông ta sẽ là một
thẩm phán biết đánh giá công luận. Birgitta biết rằng nhiều bạn đồng
nghiệp của bà không những chỉ lo ngại mà còn tỏ rõ thái độ ghê tởm
khi đối mặt với cánh báo chí và truyền hình, ít nhất là với thế hệ của
bà. Còn các thế hệ thẩm phán trẻ xử sự với công luận như thế nào, bà
không được biết.