nhân chứng hoặc trong biên bản thẩm vấn các nghi phạm. Nhưng bà
lại có kinh nghiệm tìm ra những điều mâu thuẫn, những điều phi logic,
và đã vô số lần bà phải can thiệp trong các phiên tòa, đặt ra những câu
hỏi mà theo quan điểm của bà, công tố viên đã bỏ qua.
Nhưng ở đây hoàn toàn không có gì thu hút sự chú ý của bà. Có thể
nó chỉ làm cho bà thấy rõ hơn rằng đây không phải là hành động của
một kẻ điên. Hành động này đã được lên kế hoạch quá hoàn hảo, được
một kẻ quá bình tĩnh thực hiện: chỉ một sát thủ điềm tĩnh và lạnh lùng
mới có thể làm chuyện này.
Bà ghi ra bên lề: liệu trước đó hung thủ đã từng có mặt ở hiện
trường hay chưa? Đêm ấy trời tối, hắn có thể sử dụng một chiếc đèn
pin lớn, nhưng một vài nhà hẳn phải đã khóa cửa. Hắn phải biết rất
chính xác ai sống ở nhà nào và có lẽ hắn còn có chìa khóa. Hiển nhiên
hắn phải có một động cơ rõ ràng để có thể hành động như vậy mà
không do dự lấy một giây.
Năm giờ sáng, hai mí mắt bà bắt đầu sập xuống. Không có điểm
nào đáng ngờ, bà nghĩ. Kẻ làm việc này biết rõ cái gì chờ đợi mình và
không gì khiến được hắn dừng tay. Thậm chí hắn còn chế ngự được
một tình huống bất ngờ, khi bắt gặp thằng bé. Hắn không phải là một
kẻ bạo hành tình cờ xuất hiện, mà là một kẻ máu lạnh có mục tiêu rõ
ràng.
Hắn không hề chần chừ, bà nghĩ. Và muốn các nạn nhân phải đau
đớn. Hắn muốn những người phải chết hiểu rằng chuyện gì sẽ xảy ra
với họ. Trừ một người. Một đứa bé trai.
Bỗng một ý nghĩ đến với bà. Hung thủ có thể cho các nạn nhân nhìn
thấy mặt hắn không? Họ có biết hắn là ai không? Hắn có muốn để
những người đó nhìn thấy không?
Đó là một câu hỏi mà Vivi Sundberg phải trả lời, bà nghĩ vậy. Trong
những căn phòng nơi các nạn nhân được tìm thấy có sáng đèn không?
Họ có nhìn thấy cái chết trước mặt mình không?