như cho một chuyến thám hiểm ở Bắc Cực ấy. Khắp nơi, chỗ nào cũng
lạnh. Kể cả ở trong nhà. Nhưng hiện giờ đã khá hơn so với chuyến đến
Trung Quốc lần đầu của mình. Ngày đó tuy được ngủ trong một khách
sạn tốt nhất, nhưng mình phải mặc cả quần áo ấm mới ngủ được. Sáng
nào cũng bị đánh thức bởi tiếng cót két của xe đạp. Nhớ đem theo
quần áo lót dày. Cà phê nữa. Món đấy họ vẫn chưa làm được. Nhưng
mà không, không đúng đâu, điều mình vừa nói ấy. Chỉ là để chắc ăn
thôi. Cà phê ở khách sạn chỉ phải cái là không được đặc như người ta
mong muốn thôi.
– Có cần phải mặc đẹp không?
– Áo váy dạ hội bạn khỏi cần. Nhưng một chiếc áo đầm xinh xinh
chắc cũng chẳng có hại gì.
– Phải xử sự như thế nào? Không nên nói điều gì? Mình đã có lần
nghĩ rằng đã biết tất cả về Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của
một kẻ phiến loạn: Ở Trung Quốc người ta cấy lúa và giơ cao cuốn
Mao tuyển, mùa hè người ta bơi lội, với những sải tay mạnh mẽ, đến
với tương lai, theo sau Người cầm lái vĩ đại.
– Bạn đừng lo lắng. Quần áo lót dày dặn là được rồi. Đô la tiền mặt.
Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng, nhưng không phải là ở khắp nơi.
Giày đi đường loại bền. Ở đấy dễ bị cảm lạnh. Đừng tính đến chuyện
dễ dàng tìm được loại thuốc bạn thường dùng.
Birgitta Roslin ghi lại những điều đó. Sau cuộc nói chuyện, bà lấy
từ ga ra ô tô ra chiếc va li tốt nhất. Buổi tối bà nói chuyện với Staffan
về quyết định của mình. Nếu có ngạc nhiên về điều này, ông ấy cũng
chẳng để bà nhận ra. Dưới con mắt của ông, Karin Wiman được xem
như là bạn đồng hành lý tưởng nhất.
– Anh cũng đã nghĩ đến việc này, ông nói, khi em kể Karin Wiman
sẽ bay sang Trung Quốc. Anh không hoàn toàn bị bất ngờ đâu. Bác sĩ
nói sao?
– Ông ấy bảo: bà hãy đi đi!