anh ta rất vụng về, vụng về đến không chịu nổi. Sau đó, hai đứa đã
cảm thấy ngượng nghịu đến mức chia tay ngay lập tức, không còn có
thể nhìn mặt nhau nữa. Cho đến tận hôm nay mình vẫn tự hỏi anh ta
đã kể gì về mình cho các bạn của anh ta. Còn mình cũng không nhớ đã
nói gì với đám bạn gái nữa. Nhưng sự ngây thơ chính trị cũng đúng
như vậy. Và rồi “cơn bão đỏ” đã đến cuốn mình theo. Sau thời gian
bên những người nổi loạn, mình đã trốn tránh. Mình chưa bao giờ
nhận thức rõ được tại sao mình lại có thể để bị lôi kéo vào một thứ
giống như một giáo phái. Karin tiếp tục cùng cánh tả chiến đấu. Còn
mình thì đi theo tổ chức Ân xá Quốc tế rồi bây giờ mình có không
mục tiêu.
Bà ngồi lên chồng lốp xe và giở từng trang cuốn sách màu đỏ. Bà
tìm thấy một tấm ảnh kẹp trong đó. Đó là Karin Wiman và bà. Bà còn
nhớ dịp này. Trên nhà ga ở Lund, hai người đã chui vào một buồng
chụp ảnh, đó là ý tưởng của Karin, như thường lệ. Bà bật cười nhưng
đồng thời cũng giật mình: thời ấy đã quá xa xôi, đến mức bà không thể
nhìn trọn được toàn bộ con đường đã qua.
Cơn gió lạnh, bà nghĩ. Tuổi già đang theo bà sát gót mà không báo
trước. Bà cầm theo cuốn sách và rời khỏi ga ra. Staffan cũng vừa về
tới nhà. Bà ngồi xuống đối diện với ông trong lúc ông ăn suất ăn mà
bà chuẩn bị.
– Cô hồng vệ binh đã sẵn sàng chưa? Ông đùa hỏi.
– Em mới đi tìm cuốn sách đỏ của mình.
– Gia vị, ông nói. Nếu như em muốn mua quà cho anh thì hãy mang
về các đồ gia vị. Anh luôn hình dung ra rằng chỉ ở Trung Quốc mới có
các hương vị như thế.
– Anh còn mong muốn gì nữa không?
– Em trở về khỏe mạnh và vui vẻ.
– Em nghĩ, điều đó em có thể hứa với anh được.
Ông muốn ngày hôm sau được đưa bà đến Copenhagen. Nhưng bà
bảo ông chỉ cần đưa mình ra tàu thôi.