quanh phòng, từ từ, để không bỏ qua bất cứ điều gì. Nhưng chỉ có
chiếc túi nhựa là không nằm đúng vị trí lúc trước.
Bà đi vào phòng tắm. Chiếc túi đựng đồ trang điểm của bà vẫn ở
chỗ mà buổi sáng bà đã để, vẫn y nguyên như cũ.
Bà trở ra phòng ngoài, ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ. Va li của
bà vẫn nằm đó, nắp được mở ra. Bà đứng dậy kiểm tra đồ đạc bên
trong, nhấc ra từng thứ áo xống một. Nếu như có ai đó đã lục lọi thì họ
cũng không để lại dấu vết gì.
Mãi tới lúc chạm đáy va li bà mới sững lại. Ở đây phải có chiếc đèn
pin và hộp diêm. Những thứ này bà luôn đem theo trong các chuyến
du lịch sau cái lần đi nghỉ ở Madeira hồi một năm trước khi kết hôn và
phải trải qua lần mất điện kéo dài hai mươi tư tiếng đồng hồ. Hôm đó
bà đi dạo chơi vào buổi tối, leo lên các mỏm đá dựng đứng ở ngoại vi
Funchal. Bỗng xung quanh bà tối om. Phải mất mấy tiếng đồng hồ bà
mới mò mẫm về tới được khách sạn. Từ lần đó trở đi lúc nào trong va
li của bà cũng có bao diêm. Trên hộp diêm, có nhãn hiệu màu xanh lá
cây của một tiệm ăn ở Helsingborg.
Bà giũ lại đống quần áo một lần nữa, nhưng không thấy bao diêm
đâu cả. Hay là bà đã để nó trong túi xách? Đôi khi cũng xảy ra như
vậy. Tuy nhiên bà không nhớ đã lấy nó ra khỏi va li. Nhưng ai lại đi
mò vào lục lọi đồ trong một phòng khách sạn để lấy đi bao diêm cơ
chứ?
Bà lại ngồi xuống chiếc ghế bên cửa sổ. Những giờ đồng hồ vừa
qua ở bệnh viện, khi ấy mình đã thấy là không cần thiết, bà nghĩ. Họ
hy vọng sẽ biết được gì khi thẩm vấn mình? Có thể đó chỉ là cái cớ giữ
mình lại cho tới khi cảnh sát lục soát xong căn phòng? Nhưng tại sao?
Rốt cuộc mình mới là người bị tấn công!
Có tiếng gõ cửa. Bà giật mình. Nhìn qua lỗ cửa, bà thấy có một vài
cảnh sát đứng ở ngoài hành lang. Bà mở cửa, đầy lo lắng. Đó là những
cảnh sát khác, không phải những người ở bệnh viện. Trong số họ có
một người phụ nữ nhỏ nhắn, trạc tuổi Roslin. Bà ta là người lên tiếng: