Hồng Quế không hiểu câu hỏi của bà.
– Mọi thẩm phán đều có một danh tiếng riêng, trong đó ít nhiều
chứa đựng sự thật. Nhưng danh tiếng này rất hiếm khi hoàn toàn sai
lệch. Ví dụ tôi được xem như là một thẩm phán ôn hòa, nhưng rất quả
quyết.
– Bà Mẫn Tháp tuân thủ luật pháp và rất tự hào là một thẩm phán.
Với chức danh đó bà ấy cũng là một đại diện chân chính cho đất nước
chúng tôi.
Họ đi qua khung cửa thấp phía sau bục khán đài, được Mẫn Tháp
đón tiếp trong căn phòng sơ sài và ngấm lạnh của mình. Một thừa tác
viên của tòa pha trà cho họ, khi họ đã ngồi xuống bên bàn. Mẫn Tháp
lập tức lên tiếng vẫn với cái giọng the thé của mình như trong phòng
xét xử. Hồng Quế dịch lại khi bà ấy nói xong.
– Được gặp một nữ đồng nghiệp từ Thụy Điển là một vinh hạnh lớn
của bà ấy. Bà ấy đã được nghe nhiều điều tốt đẹp về hệ thống pháp
luật của Thụy Điển. Đáng tiếc bà ấy lại sắp phải bắt đầu một vụ xử
mới. Nếu không, bà ấy muốn được trao đổi lâu hơn về hệ thống pháp
luật của Thụy Điển.
– Bà cảm ơn bà ấy giúp tôi vì đã dành thời gian tiếp tôi, Birgitta
Roslin nói. Bà hỏi bà ấy xem bà ấy nghĩ thế nào về bản án. Bà đã nói
là mười năm, đúng không?
– Tôi không bao giờ bước chân vào phòng xử án mà chưa chuẩn bị
tốt, Mẫn Tháp trả lời sau khi được nghe dịch xong. Đó là nghĩa vụ của
tôi, sử dụng tốt thời gian của mình và thời gian của các thừa tác viên
tòa án. Trong vụ này, không có gì phải lưỡng lự cả. Người đàn ông đã
thú nhận tội lỗi của mình, đó là một phạm nhân tái phạm, không có
tình tiết giảm nhẹ. Tôi nghĩ rằng sẽ tuyên phạt ông ta từ bảy đến mười
năm tù giam, nhưng sẽ còn phải cân nhắc kỹ hơn nữa.
Đó là câu hỏi duy nhất Birgitta Roslin có thể đưa ra. Sau đó đến
lượt Mẫn Tháp đặt ra một loạt câu hỏi. Bà thầm hỏi thực ra Hồng Quế