đã nói gì trong lời dịch của bà ta. Có lẽ bà ta và bà Mẫn Tháp đã nói
về một thứ gì đó hoàn toàn khác chăng?
Hai mươi phút sau Mẫn Tháp đứng dậy tuyên bố mình phải trở lại
phòng xử án. Một người đàn ông với chiếc máy chụp hình bước vào
phòng. Mẫn Tháp đến đứng bên cạnh Birgitta Roslin, một tấm ảnh đã
được chụp. Hồng Quế đứng bên cạnh, ngoài phạm vi ống kính. Mẫn
Tháp và Birgitta bắt tay rồi cùng nhau bước ra ngoài hành lang. Lúc
Mẫn Tháp mở cánh cửa dẫn ra phòng xử, Birgitta thấy có rất nhiều
người ngồi trong phòng xử.
Bà và Hồng Quế quay ra xe. Chiếc xe phóng đi với tốc độ cao. Khi
chiếc xe dừng lại, không phải là ở trước khách sạn mà là trước một
quán trà trông giống như ngôi chùa nằm trên một hòn đảo giữa một hồ
nước nhân tạo.
– Trời lạnh quá, Hồng Quế nói. Trà làm ấm người.
Hồng Quế dẫn bà vào một căn phòng cách biệt với những phòng
khác. Ở đây đã có sẵn hai tách trà, một cô phục vụ đã cầm sẵn trên tay
bình trà. Tất cả đều đã được chuẩn bị rất tỉ mỉ. Từ một khách du lịch
bình thường, Birgitta bỗng nhiên biến thành một vị khách quan trọng
của đất nước này. Nhưng bà vẫn chưa hiểu tại sao.
Bất chợt Hồng Quế nói về hệ thống pháp luật của Thụy Điển. Bà ta
tỏ ra đã đọc rất nhiều sách, đặt ra những câu hỏi về các vụ ám sát thủ
tướng Olof Palme và bà bộ trưởng Anna Lindh.
– Trong một xã hội cởi mở, người ta không bao giờ có thể đảm bảo
an toàn trọn vẹn cho các cá nhân, Birgitta Roslin nói. Mọi hình thức
xã hội đều có cái giá của nó. Từ trước tới nay, tự do và an toàn luôn
giành nhau lãnh địa của mình.
– Một khi ai đó thực sự muốn giết người thì không gì cản nổi, Hồng
Quế nói. Ngay cả tổng thống Mỹ cũng khó bảo vệ được.
Birgitta Roslin đoán rằng có ẩn ý trong câu nói của Hồng Quế
nhưng bà không muốn giải nghĩa nó.