– Điều này có thể xảy ra ở Trung Quốc. Chứ ở Thụy Điển thì
không. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ kết án một người vì có ai đó
đã nhận diện được anh ta nhờ những con mắt ở sau gáy.
– Còn có những nhân chứng khác. Không phải chỉ riêng bà phải
nhận diện kẻ tấn công. Các nhân chứng cũng phải nhận diện bà nữa,
chính bà.
Birgitta Roslin nhìn sang Hồng Quế, nhưng bà ta như đang mải
quan sát một điểm ở đâu đó phía trên đầu bà.
– Tôi phải về nhà, Birgitta Roslin nói. Hai tiếng nữa, tôi cùng bạn
phải ra sân bay. Tôi đã nhận lại được chiếc túi xách của mình. Sự giúp
đỡ mà cảnh sát dành cho tôi thật đáng trân trọng. Tôi không biết bày
tỏ lòng biết ơn của mình như thế nào. Nhưng tôi không thể nhận diện
một thủ phạm mà tôi không nhìn thấy.
– Chúng tôi không yêu cầu bà điều bất khả. Theo luật pháp của đất
nước chúng tôi, bà có trách nhiệm thi hành những yêu cầu của cảnh
sát để làm sáng tỏ một trọng tội.
– Nhưng tôi muốn trở về nhà. Việc này sẽ kéo dài bao lâu?
– Nhiều nhất là một ngày.
– Vậy thì không được.
Hồng Quế kín đáo tiến lại gần.
– Đương nhiên chúng tôi sẽ giúp bà đổi chuyến bay, bà ta nói.
Birgitta Roslin đập tay lên mặt bàn.
– Tôi muốn trở về nhà vào ngày hôm nay. Tôi từ chối ở lại thêm
một ngày nữa.
– Ông Chấn Bình là thủ trưởng cấp cao của cảnh sát. Những gì ông
ấy nói, được coi như là mệnh lệnh. Ông ấy có thể buộc bà phải ở lại
đây.
– Vậy thì tôi yêu cầu được nói chuyện với đại sứ quán của chúng
tôi.
– Đương nhiên rồi.