Bỗng bà hiểu ra: đi nhận diện kẻ tấn công bà chỉ là cái cớ để triệu
bà ra khỏi phòng. Mọi chuyện bỗng trở nên gấp gáp sau khi Chấn
Bình đọc cho bà nghe biên bản. Khi ấy hẳn ông ta đã nhận được tin
báo rằng việc lục soát phòng bà đã kết thúc.
Việc này hoàn toàn không liên quan đến chiếc túi xách của mình, bà
nghĩ. Cảnh sát lục soát căn phòng của mình hoàn toàn vì những lý do
khác. Cũng chính chúng giải thích sự xuất hiện của Hồng Quế.
Việc này không hề liên quan đến chiếc túi, bà nhắc lại với mình.
Chỉ có một cách lý giải: Có ai đó muốn biết vì sao mình lại chìa tấm
ảnh một người xa lạ ra trước tòa nhà gần bệnh viện đó. Có thể đó
không hoàn toàn là một người xa lạ?
Nỗi sợ hãi lại quay trở lại với tất cả sức mạnh của nó. Bà bắt đầu
tìm xem trong phòng có gắn máy quay phim, micro ở gầm giường,
gầm bàn, sau những bức tranh hoặc trong các chao đèn hay không,
nhưng hoàn toàn không tìm thấy gì cả.
Hồng Quế xuất hiện đúng giờ hẹn ở quầy lễ tân và đề nghị dẫn bà đi
ăn ở một nhà hàng nổi tiếng. Nhưng lúc này Birgitta Roslin không còn
muốn rời khách sạn nữa. Bà nói:
– Tôi bị mệt. Ông Chấn Bình đã khiến tôi kiệt sức. Bây giờ tôi
muốn ăn ở đây rồi đi ngủ. Ngày mai tôi sẽ bay về nhà.
Câu cuối cùng nghe giống như là một câu hỏi. Hồng Quế gật đầu.
– Phải, ngày mai bà bay về nhà.
Hai người ngồi xuống bên cạnh một khung cửa sổ lớn nhìn được
toàn cảnh. Một nghệ sĩ piano đang ý tứ ngồi chơi bên chiếc đàn ở giữa
căn phòng rộng có các bể cá và giếng phun.
– Tôi biết bản nhạc này, Birgitta Roslin nói. Một giai điệu của Anh
từ Thế chiến thứ hai? We’ll meet again, don’t know where, don’t know
when. Có thể nó nói về chúng ta chăng?
– Tôi luôn mong muốn được đến thăm những nước phương Bắc.
Biết đâu đấy?