Birgitta Roslin uống rượu vang đỏ. Vì chưa ăn gì nên bà cảm thấy
hơi choáng đầu.
– Bây giờ thì mọi chuyện đã qua, bà nói. Tôi có thể về nhà. Tôi đã
nhận lại được chiếc túi của mình và tôi đã được nhìn thấy Vạn Lý
Trường Thành. Tôi đã tin rằng phong trào nông dân Trung Quốc đạt
được những bước tiến lớn lao. Những gì diễn ra ở đất nước này thật là
kỳ diệu. Ngày còn trẻ, tôi ao ước được đứng giữa hàng ngàn các bạn
trẻ khác, tay cầm cuốn sách đỏ của Mao Chủ tịch đi diễu hành. Còn bà
thì sao? Chúng ta cùng trạc tuổi nhau.
– Tôi là một trong những người đã diễu hành ở đó.
– Vì giác ngộ?
– Tất cả mọi người đều như thế. Bà đã khi nào thấy một nhà hát
hoặc một rạp xiếc toàn là trẻ con chưa? Chúng reo lên vui sướng.
Không nhất thiết là vì những gì chúng được xem, mà là vì chúng được
có mặt trong một rạp xiếc hoặc trong một nhà hát cùng hàng ngàn đứa
trẻ khác, không có thầy cô giáo ở bên cạnh, không có cha mẹ ở bên
cạnh. Chúng thống trị thế giới. Nếu như ta đủ đông, ta có thể tin vào
bất cứ điều gì.
– Đó đâu phải là câu trả lời cho câu hỏi của tôi.
– Câu trả lời sẽ đến ngay bây giờ. Tôi đã như những đứa trẻ trong
rạp xiếc ấy. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng nếu không có Mao chủ
tịch, Trung Quốc sẽ không bao giờ đứng lên được từ đói nghèo. Là
người cộng sản có nghĩa là đi chân trần mà đấu tranh chống lại những
khốn cùng. Chúng tôi đã chiến đấu vì một đôi giày cho tất cả.
– Sau đó chuyện gì đã xảy ra?
– Đã xảy ra điều mà Mao luôn cảnh báo chúng tôi. Rằng sự bất ổn
luôn tồn tại dưới gầm trời này. Chúng chỉ thay hình đổi dạng. Chỉ có
kẻ ngu xuẩn mới tin rằng có thể lội xuống cùng một dòng sông đến hai
lần. Giờ đây tôi mới nhận ra rằng ông ấy sáng suốt đến mức nào.
– Bà vẫn còn là đảng viên đảng Cộng sản?