đói bụng. Sau khi ăn một lát bánh mì và uống một cốc nước, bà trở về
giường nằm rồi một lúc sau thì thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi vào phòng làm việc lấy hồ sơ, bà có cảm giác
rằng có ai đó đã vào phòng. Giống như với chiếc va li của bà ở khách
sạn tại Bắc Kinh. Tối hôm qua, trước khi rời khỏi phòng, bà đã xếp tập
hồ sơ vào cặp tài liệu, vậy mà lúc này một vài tờ giấy lại thò ra ngoài
quai cặp.
Dù đang vội, bà vẫn xem qua các phòng ở tầng trệt: không mất thứ
gì. Có lẽ mình tưởng tượng ra vậy, bà nghĩ. Ở Bắc Kinh mình bị ám
ảnh có người theo dõi. Mình sẽ không tiếp tục như vậy ở đây nữa.
Birgitta Roslin rời khỏi nhà. Bà xuôi về phía trung tâm thành phố và
khu tòa án. Nhiệt độ tiếp tục tăng thêm so với hôm qua. Dọc đường đi,
bà nghĩ đến vụ xử thứ nhất đang chờ. Cần phải tăng cường các biện
pháp an ninh trong tòa, bởi có nguy cơ xảy ra đánh lộn giữa những
người Việt Nam chờ trong phòng xét xử. Sau khi thống nhất với ông
chánh án và kiểm sát viên, bà ấn định xử vụ này trong hai ngày. Bà e
rằng như thế không đủ, nhưng bà đành phải bằng lòng như vậy bởi tòa
án đang chồng chất các vụ cần xử.
Khi đến tòa, bà vào ngay phòng làm việc, ngắt điện thoại, ngồi ngả
lưng ra sau ghế, hai mắt nhắm nghiền, tổng lược lại những điểm quan
trọng nhất trong vụ án đối với hai anh em họ Trần, họ đang ở giai đoạn
xét xử cuối cùng. Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã bắt thêm hai
người Việt Nam nữa, đó là Đặng và Phan. Cả bốn người này là tòng
phạm và bị truy tố cùng tội danh.
Birgitta Roslin rất mừng khi nhìn thấy kiểm sát viên Palm trong
phòng xử. Đó là một người trung tuổi, nghiêm túc và biết cách tránh
những quanh co không cần thiết. Theo tài liệu điều tra đang nằm trước
mặt, bà có cảm giác Palm đã dẫn dắt một cuộc điều tra tỉ mỉ, điều mà
không phải lúc nào cũng làm được.
Đúng mười giờ bà bước vào phòng xử, ngồi vào ghế thẩm phán.
Các dự thẩm viên và thư ký tòa đã có mặt. Phòng xử chật kín. Tất cả