Bà Birgitta bỗng cảnh giác. Cho đến lúc này Hà tỏ ra chân thật.
Nhưng cô ấy lại lảng tránh câu hỏi này. Cô ấy biết nhiều hơn những
điều cô ấy đã nói ra, Roslin thầm nghĩ.
– Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, Roslin nói. Dưới con mắt
quan sát của một người phương Tây không sành sỏi, họ sẽ dễ dàng
thấy chỗ nào cũng thật bí hiểm. Tôi cũng không ngoại lệ. Chuyện với
bà Hồng Quế cũng vậy. Tôi không bao giờ hiểu hết được ý của bà ấy.
– Trung Quốc không bí hiểm hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Đó
chỉ là một chuyện hoang đường do người phương Tây nghĩ ra. Người
châu Âu không bao giờ công nhận rằng họ không hiểu chúng tôi nghĩ
như thế nào. Ngay cả việc chúng tôi đã có rất nhiều phát kiến mang
tính quyết định trước họ, họ cũng không chấp nhận. Thuốc súng, la
bàn, kỹ thuật in ấn, tất cả những thứ này đều khởi thủy từ Trung Quốc.
Ngay cả trong nghệ thuật đo lường thời gian, người châu Âu cũng
không phải là người đầu tiên nghĩ ra. Hàng ngàn năm trước khi họ bắt
đầu chế tạo ra đồng hồ cơ học, chúng tôi đã có đồng hồ nước, đồng hồ
cát. Họ không bao giờ bỏ qua cho chúng tôi chuyện này. Chính vì lẽ
đó mà họ nói chúng tôi là lạ lùng và bí hiểm.
– Cô gặp bà Quế lần cuối khi nào?
– Cách đây bốn năm. Chị ấy tới Luân Đôn. Chúng tôi đã ở cùng
nhau vài tối. Khi ấy là mùa hè. Chị Quế rất thích những cuộc dạo chơi
trên Hampstead Heath và đã hỏi tôi cặn kẽ xem người Anh đánh giá
như thế nào về sự phát triển ở Trung Quốc. Những câu hỏi của chị ấy
rất khẩn khoản và tỏ ra sốt ruột khi những câu trả lời của tôi không rõ
ràng. Ngoài ra chị ấy rất thích xem chơi cricket.
– Vì sao?
– Chị ấy không nói ra. Chị ấy có những sở thích khiến người ta bất
ngờ.
– Tôi không có hứng thú đặc biệt đối với thể thao. Nhưng với tôi,
cricket đúng là một môn khó hiểu, tôi không tài nào hiểu nổi tại sao
đội này hoặc đội kia lại thắng.