Birgitta Roslin cất tấm danh thiếp vào túi. Bà cùng đi với Hà ra ga
và lo để cô lên đúng tàu.
– Chồng tôi làm nghề soát vé tàu, bà nói. Còn chồng cô làm gì?
– Anh ấy làm bồi bàn. Cũng chính vì thế mà chúng tôi sống ở phố
Tàu. Chúng tôi sống ngay phía trên nhà hàng nơi anh ấy làm việc.
Birgitta Roslin nhìn theo đoàn tàu biến mất trong đường hầm.
Bà trở về nhà và lúc sửa soạn bữa tối mới nhận ra mình mệt mỏi
chừng nào. Bà muốn xem chương trình thời sự, nhưng đã ngủ thiếp đi
trước vô tuyến khi nằm trên sofa. Chuông điện thoại đánh thức bà dậy.
Đó là Staffan gọi về từ Funchal. Đường dây không tốt, Staffan phải
nói rất to để át đi tiếng lạo xạo trong máy. Dù sao thì bà cũng hiểu
được mọi chuyện ở chỗ ông đều ổn và cả nhà rất vui. Cuộc điện thoại
bỗng nhiên bị cắt. Bà chờ ông gọi lại, nhưng không thấy. Bà lại nằm
xuống sofa. Cái chết của Hồng Quế dường như rất phi thực với bà, bà
khó mà tin nổi. Và có gì đó không ổn trong câu chuyện mà Hà kể.
Bà bắt đầu thấy tiếc là đã không hỏi thêm. Có lẽ vì sau phiên tòa bà
đã quá kiệt sức nên đơn giản là không làm được việc đó. Còn lúc này
thì đã quá muộn. Hà đang trên đường trở về khu phố Tàu ở Anh quốc.
Birgitta Roslin thắp một cây nến tưởng nhớ Hồng Quế và tìm trên
giá sách tấm bản đồ Luân Đôn. Tiệm ăn ấy nằm kề quảng trường
Leicester. Đã có lần bà với Staffan ngồi trong một công viên nhỏ ở đó
quan sát mọi người. Đó là một ngày cuối thu, hai vợ chồng bà đã có
chuyến du lịch không chuẩn bị trước, một kỷ niệm vô giá.
Bà lên giường đi ngủ sớm vì ngày mai có phiên xử. Vụ người phụ
nữ ngược đãi mẹ đẻ, không phức tạp như vụ bốn người Việt Nam.
Nhưng bà cũng không cho phép mình mệt mỏi khi ngồi vào chiếc ghế
thẩm phán. Lòng tự trọng không cho phép bà làm như vậy. Để chắc
chắn không nằm thức trắng, bà uống nửa viên thuốc ngủ trước khi tắt
đèn.